Dùng bằng giả phải bị sa thải, chuyện đơn giản thế sao vẫn thành phức tạp?

Mạnh Quân

(Dân trí) - 12 người là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Lai Châu vừa bị tước quân tịch vì sử dụng văn bằng giả. Nhưng không phải nơi nào cũng làm được việc này.

Dùng bằng giả phải bị sa thải, chuyện đơn giản thế sao vẫn thành phức tạp? - 1

Như Dân trí đã đăng trong bản tin ngày 5/12, thực hiện kế hoạch tổng rà soát văn bằng, chứng chỉ trong toàn ngành lực lượng công an của Bộ Công an, Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện 13 cán bộ, chiến sĩ vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, có 12 người bị tước quân tịch.

Trong số đó có hai lãnh đạo chỉ huy cấp phòng, một số chỉ huy cấp đội, còn lại là cán bộ chiến sĩ. Có trường hợp như Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế đã bị tước quân tịch và khai trừ khỏi Đảng.

Đây có thể coi là một trong những đợt rà soát, kiểm tra văn bằng, chứng chỉ trong ngành được làm một cách nghiêm túc, mạnh mẽ nhất. Chỉ riêng Công an tỉnh Lai Châu đã xử lý dứt khoát chừng đó trường hợp và mức xử lý kỷ luật cũng rất nghiêm khắc, đủ để răn đe, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên phạm vi ở một địa phương.

Ở nhiều ngành, địa phương khác, không phải trước đó đã không có những trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả bị kỷ luật, sa thải. Thậm chí, có trường hợp còn bị xử lý mạnh hơn: Truy tố, xét xử trước pháp luật.

Đó chính là vụ Đinh Ngọc Hệ (còn được gọi là Út Trọc) đã bị Tòa án hình sự quân khu 7 truy tố, xét xử. Ngoài các tội nghiêm trọng khác, ông này còn bị kết án 2 năm tù vì "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Cụ thể hơn là người này đã mua bằng tốt nghiệp Đại học giả và một bảng điểm giả làm hồ sơ để được thăng chức thượng tá.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là vụ việc dùng bằng giả đầu tiên bị xử lý hình sự. Các vụ dùng bằng giả khác được phát hiện cũng rất lẻ tẻ và không mạnh tay, đồng loạt như việc Công an tỉnh Lai Châu đã xử lý. Điều đó khiến cho công tác phòng chống, xử lý nạn sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong các cơ quan nhà nước chưa đem lại niềm tin cho người dân là nó đang có hiệu quả.

Một vụ việc nổi cộm gần đây là việc cơ quan chức năng phát hiện ra 55 người trong bộ máy nhà nước đã mua bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, trong tổng số 600 bằng giả mà trường đại học này đã bán ra ngoài. Một lý do được đưa ra lý giải tại sao chưa công bố danh sách những người này, theo cơ quan chức năng: "Đây là những người có uy tín, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh".

Như vậy, đối chiếu với vụ Công an tỉnh Lai Châu đã làm, một cách khá đơn giản: Dùng bằng giả là bị tước quân tịch, ở vụ việc này, người ta đã làm phức tạp hóa lên, không đúng theo quy định của pháp luật. Tại sao là có uy tín, có chức vụ... mà dùng bằng giả lại không thể công khai tên tuổi để xử lý. Có thể những người đó cũng sẽ bị xử lý thôi nhưng nếu thiếu công khai, minh bạch thì sẽ thiếu sự giám sát, kiểm tra và có thể sẽ khiến việc xử lý hành vi sai trái đó không đúng mức, thậm chí bị giảm nhẹ, lập lờ cho qua. 

Nếu vẫn còn tình trạng che giấu, thiếu minh bạch về người sử dụng bằng giả như vậy thì tình trạng gian lận, sử dụng bằng giả để len lỏi vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước vẫn còn. Và người dân sẽ thêm mất niềm tin về hiệu quả của công tác phòng, chống tệ nạn dùng loại "hàng giả" rất nguy hiểm này.