Dư mà vẫn thiếu, cắt rồi lại cứ… mọc thêm?
(Dân trí) - Xin nói thẳng, đầu đề này người viết không nhằm đưa ra một câu đố vui nào trong dịp cuối tuần này cả. Đây đơn thuần chỉ là một thực trạng mà bao năm nay chúng ta vẫn thấy về công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy Nhà nước mà thôi.
TP Hà Nội mới đây thậm chí đã công bố số liệu khiến không ít người phải giật mình. Theo đó, tổng số cán bộ không chuyên trách trên 584 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội lên tới 102.200 người, “đốt” 1.079 tỷ đồng mỗi năm . Vấn đề là, những cán bộ này chỉ làm việc bình quân 45 giờ/tháng, ít là 25 giờ/tháng (nói cách khác, chỉ quanh quanh 1 giờ/ngày). Thực sự là lãng phí.
Trong khi đó, với số lượng 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương hiện nay (tăng 11,3% so với năm 2012), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, bình quân cứ 7 lao động làm việc phải nuôi người nằm trong bộ máy.
Cho nên, khi có thông tin HĐND TP Hà Nội vừa thông qua phương án sẽ giảm hơn 4.300 biên chế công chức và viên chức trong năm 2019, còn mục tiêu của Chính phủ là năm tới đây, số biên chế công chức được giảm sẽ là 5.500 người, thoạt nghe, ai đó trong chúng ta sẽ tràn trề hy vọng. Hy vọng về một bộ máy gọn gàng hơn, hiệu quả hơn, gánh nặng ngân sách nuôi bộ máy theo đó sẽ thuyên giảm.
Song, khoan hẵng vội mừng…
Bởi, trong số hàng nghìn người bị cắt biên chế ấy, liệu có cắt đúng người cần cắt hay không, hay sẽ chỉ là một phép trừ đơn thuần về mặt toán học?
Một phát biểu đáng chú ý của ông Y Biêr Niê – Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk trong một phiên thảo luận mới đây: “Tôi đồng tình với chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương nhưng, nếu tinh giản đến mức không có giáo viên để dạy thì không thỏa đáng. Chỗ nào phình thì chúng ta nên gọn, còn chỗ nào cần thì chúng ta bổ sung”.
Theo như dữ liệu mà tỉnh Đắk Lắk đưa ra thì ngành giáo dục của tỉnh này đang thiếu giáo viên khá trầm trọng, đặc biệt bậc mầm non thiếu trên 1.000 người, nhân viên mầm non thiếu trên 1.200 người. Đó chỉ là 1 ngành của 1 địa phương. Còn những ngành khác, địa phương khác thì sao?
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ Nội vụ, của các ngành các cấp trong những năm qua để thu gọn bộ máy quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, đang diễn ra một thực tế mà người viết đã đề cập ở trên: Thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu, mà thậm chí, có nơi càng cắt lại càng… mọc thêm!
Tại một hội thảo khoa học của Bộ Nội vụ, chuyên gia Phạm Chi Lan dẫn nhận xét của một vị nguyên Bộ trưởng cho hay, chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước”.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì chỉ ra nghịch lý: Dù lương công chức tuy thấp nhưng vẫn cao hơn năng suất lao động. Ước tính tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm.
Cũng lưu ý với độc giả rằng, hội thảo này đã được tổ chức cách đây 2 năm, trong khi những vấn đề mà các vị đại biểu nêu cho đến tận thời điểm này vẫn còn mới nguyên.
Nguyên nhân khiến bộ máy trì trệ và thiếu hiệu quả, kém năng suất nằm ở đâu? Điều mà chúng ta cần nhìn thẳng vào đó là do ngân sách phải gồng gánh nhóm 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” còn nhân tài thì dường như đang “né” khu vực Nhà nước. 30% công chức ấy là những ai? Có cắt bỏ được không?
Việc “cắt bỏ” nếu vì lý do nào đó mà không nhắm trúng đối tượng này thì chỉ e rằng, càng cắt lại càng phình thêm ra, khi mà nhiệm vụ tăng lên còn người làm… có mà như không vậy!
Bích Diệp