Doanh nhân với những cây gậy "chống lưng" đã gãy

(Dân trí) - Thời gian qua, chúng ta đều đã thấy kết cục không mấy tốt đẹp của một số "đại gia" trong giới doanh nhân Việt Nam: Người thì bị khởi tố, bắt tạm giam; Người thì kinh doanh sa sút, thua lỗ.... Và họ có một điểm chung:  Đã hưng vượng một thời, có quan hệ sâu sắc với một số người có vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Doanh nhân với những cây gậy chống lưng đã gãy - 1

Thật không tiện kể tên ra đây những "đại gia" khét tiếng một thời cả về sự giàu có, cả về sự ảnh hưởng trong giới kinh doanh như trong các lĩnh vực: Bất động sản, tài chính- ngân hàng... Mà ở thời kỳ họ đang rất thành công trong kinh doanh, người ta đều thấy thấp thoáng phía sau họ là bóng dáng của một số quan chức, cán bộ nhà nước có vị trí nào đó.

Nhưng có một điều cũng dễ thấy, khi những người được cho là "cây gậy chống lưng" cho họ nghỉ hưu, thất thế hoặc cũng bị cơ quan chức năng kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí khởi tố thì sự nghiệp kinh doanh của doanh nhân ấy cũng lụn bại. Bản thân không ít người cũng đã bị truy tố, kết án tù do liều lĩnh làm những điều luật pháp nghiêm cấm, nhưng họ đã được che chắn, "bảo kê" trong suốt một thời gian dài trước đó.

Và ngược lại, có những doanh nhân phát triển lên do làm ăn phi pháp thì đến khi cơ quan bảo vệ pháp luật không thể làm ngơ, xử lý thì chính những người này đã khiến cho những "bình phong", "lá chắn" cho họ phải đổ vỡ theo.

Một ví dụ dễ thấy nhất như trong vụ Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương-những người đã bị khởi tố trong vụ án tổ chức đường dây đánh bạc Rik Vip cũng từng được coi là những doanh nhân thành đạt. Phan Sào Nam là một doanh nhân khá trẻ (sinh năm 1979) nhưng đã rất thành công khi chỉ trong một thời gian ngắn, ở vị trí Chủ tịch Công ty VTC Online đã lập ra trang Go.vn, trong 10 tháng đã đạt mốc 3 triệu người dùng; đã từng kéo được đầu tư 10 triệu USD từ quỹ DWS Việt Nam.

Nhưng với việc bất chấp pháp luật, tổ chức đường dây đánh bạc cùng với Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam không chỉ khiến sự nghiệp kinh doanh của mình tan vỡ, bản thân bị truy tố, còn khiến cho một số vị tướng cao cấp của ngành công an như Nguyễn Thanh Hóa- nguyên Cục trưởng C50 bị phạt 10 năm tù; cựu tướng công an- Phan Văn Vĩnh- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát chịu án 9 năm tù vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm"),  một ông trùm bất động sản lừng danh một thời ở Đà Nẵng, cựu Chủ tịch của một loạt doanh nghiệp rất mạnh một thời trong lĩnh vực bất động sản: Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (TPHCM), Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam (Đà Nẵng), The Sunrise Bay Đà Nẵng... cũng là một ví dụ tương tự.

Với những việc làm trái pháp luật của mình, khi bị khởi tố, Vũ "nhôm" cũng đã khiến một loạt tướng lĩnh của ngành công an như hai cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị truy tố, nhận án tù do có tiếp tay, ký những văn bản, quyết định tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ làm những việc phi pháp.

Cho nên, qua hàng loạt những ví dụ như trên, dễ thấy rằng, những doanh nhân nào dựa vào những quan hệ không lành mạnh với những cán bộ, quan chức thiếu liêm chính, dựa vào thế lực của họ để giành lợi thế trong kinh doanh thì tuy có thể phát triển nhanh, thậm chí có thể giành được vị trí rất cao trong ngành, lĩnh vực mà người đó kinh doanh, nhưng đó là sự phát triển rất không bền vững.

Một khi những "cây gậy chống lưng" cho họ thất thế, bị xử lý kỷ luật,  thậm chí bị truy tố, thì quan hệ đó lập tức tan vỡ. Những doanh nhân và cả những người đỡ đầu, che chắn cho họ đều dễ đi đến một kết cục không mấy tốt đẹp gì. Chỉ có những doanh nhân tự đi lên bằng đôi chân của mình, bằng tài năng của mình, trong quá trình cạnh tranh tự do với các doanh nghiệp khác mới có sự nghiệp, kết quả vững bền.

Mạnh Quân