Định lượng “nhạy cảm”!

(Dân trí) - “Cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí, dù đó là thông tin nhạy cảm”, đó là kiến nghị của Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn tại Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo ngày 9/1 tại Hà Nội.

 

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 

Lâu nay, hai chữ “nhạy cảm” được sử dụng khá nhiều, nhất là liên quan đến phát ngôn hay chuyện viết báo, viết văn. Đụng đến chuyện gì cũng nghĩ đến có thể vấn đề này “nhạy cảm”, vấn đề kia rất “nhạy cảm”. Đại diện của không ít cơ quan, tổ chức thường sử dụng hai chữ “nhạy cảm” để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu hỏi cho ra lẽ thì không biết “nhạy cảm” là thế nào và cái gì thì coi là “nhạy cảm”.

 

Cán bộ, quan chức có hành vi tham nhũng, báo chí vào cuộc điều tra, đưa tin, nhưng đụng đến chức vụ cao cao một chút thì sẽ xuất hiện ngay lập tức ông “nhạy cảm” để ngăn lại. Quan chức có hành vi vi phạm pháp luật thì cũng như người khác, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy tại sao chỉ có thể nói về hành vi vi phạm, thậm chí lên án nặng nề những người khác, còn đưa tin hay phân tích hành vi của một quan chức lại cho là “nhạy cảm”?

 

Nông dân thưa kiện, đúng ra báo chí phải vào cuộc, tìm hiểu để đưa tin. Nếu bà con thưa kiện đúng thì đấu tranh để bảo vệ cái đúng. Ngược lại, nếu thưa kiện sai thì phân tích để bà con hiểu đúng pháp luật, nhận thức và thay đổi hành vi của họ. Đó cũng là cách hỗ trợ chính quyền giải quyết có hiệu quả các xung đột do khiếu kiện đất đai. Cứ động đến nông dân khiếu kiện là cho rằng “nhạy cảm” thì càng ngày dân càng tù mù hơn, hoài nghi hơn không chỉ đối với chính quyền mà với trách nhiệm và vai trò của báo chí.

 

Hai chữ “nhạy cảm” nguy hiểm đến độ, chưa cần tới ai răn đe, người cầm bút thiếu bản lĩnh tự “biên tập” mọi ý tưởng về phản biện ngay trong đầu của mình vì cho rằng nói khác đã là “nhạy cảm”. Tuy rằng, chẳng biết “nhạy cảm” chuyện gì và với ai. Dần dần, chỉ viết chuyện ăn theo nói leo, vô thưởng vô phạt, xa rời cuộc sống, né tránh nỗi bức xúc của người dân trước các vấn đề xã hội.

 

Mà có che giấu được chuyện gì trong thời đại internet với hàng tỷ xa lộ thông tin thênh thang hiện nay không? Cái mà người này cho rằng “nhạy cảm” không dám nói thì ngay lập tức sẽ có nhiều người khác bàn đến, cho nên, không cần thiết phải bưng bít thông tin theo lối cảm tính (trừ những thông tin bí mật quốc gia).

 

Tiêu chí của thông tin trước hết là chính xác, khách quan, trung thực, còn hai chữ “nhạy cảm” chỉ là thứ  lực cản vô hình ngăn chặn thông tin đến với xã hội, là cách để né tránh sự thật. Cứ nói “nhạy cảm” khơi khơi rất định tính, nhưng không ai định lượng được nó.

 

Người cung cấp thông tin đúng sự thật, báo chí nói đúng sự thật, chỉ có như vậy xã hội mới lành mạnh, giá trị dân chủ mới được tôn trọng và đất nước mới văn minh, tiến bộ.

 

 

Lê Chân Nhân