Điều kỳ lạ quanh những vụ án "ảo"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Vì một nền tư pháp "trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại, bảo vệ công lý", những sai phạm của đội ngũ cán bộ tòa án cần phải được xử lý nghiêm đúng với tính chất, mức độ vi phạm.

Điều kỳ lạ quanh những vụ án ảo - 1

Tự tạo lập các vụ án dân sự của cán bộ, lãnh đạo TAND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Vậy mà lạ kỳ thay, sự việc chấn động này chỉ được tòa án cấp trên kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với người liên quan.

Năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Song thụ lý giải quyết 57 vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản do 3 người đứng tên nguyên đơn. Các vụ án này sau đó được ông Phạm Văn Phiếm - nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song thụ lý (8 vụ); bà Nguyễn Thị Hải Âu - nguyên Phó Chánh án (12 vụ) và bà Bùi Thị Dung - thẩm phán, thụ lý giải quyết 20 vụ.

Điều kỳ lạ là sau đó, 57 vụ án đều có quyết định đình chỉ do có đơn xin rút của nguyên đơn. Điều bất thường này được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song phát hiện và xác minh. Kết quả cho thấy các vụ án dân sự trên đều vi phạm về việc thụ lý, giải quyết. Các cơ quan chức năng vào cuộc và sự thật về những vụ án "lạ" này nhanh chóng bị phơi bày.

Sự thật khiến những người làm công tác tố tụng không khỏi bàng hoàng: 57 vụ án trên là do cán bộ TAND huyện Đắk Song tự tạo lập hồ sơ. Thậm chí 1 trong 3 nguyên đơn khởi kiện 57 vụ án nói trên chưa từng khởi kiện bất kỳ ai. Cơ quan chức năng cũng khẳng định nhiều nguyên đơn, bị đơn khác không tồn tại!.

Nguyên nhân là bà Bùi Thị Dung muốn được tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng không đảm bảo yêu cầu do tỷ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16%. Không chỉ tự tạo lập các đơn kiện mà không có tranh chấp thực tế, bà Dung còn bỏ tiền để đóng tiền tạm ứng phí, sau đó rút đơn khởi kiện nhằm nâng cao số lượng án giải quyết, giảm tỷ lệ án hủy để được tái bổ nhiệm.

Tất nhiên "âm mưu" của bà Dung không thể thực hiện được. Khi vụ việc bị phát hiện, bà Bùi Thị Dung đã tự xin nghỉ việc.

Sự việc này được TAND tỉnh Đắk Nông kết luận "không xử lý kỷ luật" mà chỉ kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm tại cơ quan đối với Chánh án TAND huyện Đắk Song và các cá nhân liên quan. Trong khi đó, TAND tối cao khẳng định việc tạo lập 57 hồ sơ "ảo" này là vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.

TAND cấp cao đề nghị TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí những cán bộ có liên quan, đảm bảo việc phòng ngừa, giáo dục theo quy định của pháp luật.

Ngày 1/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm, bà Nguyễn Thị Hải Âu và ông Nguyễn Xuân Triệu (nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song) do để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án "ảo".

Dư luận cho rằng những sai phạm nghiêm trọng như trên mà các cá nhân liên quan chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, riêng bà Bùi Thị Dung do đã nghỉ việc nên không bị xử lý kỷ luật là thiếu thỏa đáng.

Không thể nói việc lập hồ sơ vụ án giả, tự đóng án phí rồi đình chỉ vụ án là không gây thiệt hại. Thiệt hại rõ ràng có thể nhìn thấy được là niềm tin của người dân vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật và sự trung thực của những người thực thi công lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc tạo ra gần 60 vụ án "ảo" không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà trong đó sự công minh, công bằng và minh bạch luôn được đề cao.

Liệu có ai dám đảm bảo dựng ra hàng loạt vụ án "ảo" để giải quyết thì trong khi xét xử các vụ án thật, họ có thực hiện đúng chức trách của những người cầm cân nảy mực, thay mặt Nhà nước đưa ra các phán quyết công bằng, đúng người, đúng luật?

Vì một nền tư pháp "trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại, bảo vệ công lý", những sai phạm của đội ngũ cán bộ tòa án cần phải được xử lý nghiêm đúng với tính chất, mức độ vi phạm.