“Đi một ngày đàng” liệu có học được “một sàng khôn”?
(Dân trí) - Không biết “đi một ngày đàng” có học được “một sàng khôn” hay chỉ tốn tiền dân, tiền nước cho những cuộc du hí, rong chơi, thù tạc của một nhóm người?
Ngày 8.3. 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, cân nhắc, tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời gian này để tập trung chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh.
Hai ngày sau (10.3), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, từ thời điểm này cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, tất cả cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM không được đi nước ngoài, kể cả những trường hợp đã được UBND TP HCM duyệt.
“Duyệt từ tháng 12/2019, tháng 1/2020 cũng phải ngưng hết, trừ những trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM. Phải kiểm soát chặt chẽ việc này”. Ông Tuyến nói.
Tôi cho rằng đây là những chỉ đạo hoàn toàn đúng đắn và cần thiết không chỉ với thời điểm dịch bệnh này.
Đã từ lâu, không ít lần việc đi nước ngoài “tham quan và học tập” thực chất là những chuyến “du hí” bằng tiền ngân sách (tiền thuế mồ hôi, nước mắt của dân) ở cả địa phương và các bộ, ngành.
Đã từng có những đoàn công tác mà thành phần trong đó không ít là những cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu chỉ vài ba tháng.
Thậm chí, cả những thành phần là những người không thuộc chuyên môn và hơn thế, có cả người thân của “ông này, bà nọ” như vợ chồng, anh em hay chiến hữu lãnh đạo.
Thực ra, việc này xuất hiện từ lâu dưới thời bao cấp. Ngày đó, không ít các chuyến đi nước ngoài “tham quan và học tập” thực chất là “bổng lộc” cho một số cán bộ trước khi “hạ cánh an toàn”.
Gần đây, nhờ sự lên tiếng của báo chí, sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, việc này đã giảm đáng kể, ít nhất là không còn “ngang nhiên và trắng trợn” như trước đây.
Tuy nhiên, dù đã hạn chế, song không phải là không còn, thậm chí với số nhiều.
Đành rằng như lời người xưa, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” nhưng với những chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” vài ba ngày, họ “học tập” được những gì? Có xứng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra hay không? Thành phần đi đã hẳn đúng chưa? Quốc gia mà họ đến có thật sự đáng hoặc phù hợp để khăn gói đi “học tập”?
Thời buổi 4.0, liệu có cần thiết phải “sờ tận tay, day tận mặt” như thế? Liệu có hiệu quả hơn việc ngồi tìm hiểu trước tivi hay trước một trang báo mà không tốn kém đồng nào hay không?
Nhất là liệu có học được những điều hay, lẽ phải mang về cho đất nước hay ngược lại, không chỉ tốn tiền dân mà còn rước về những tai ương hoặc đồ phế thải?
Trở lại với chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, người viết bài này rất đồng tình với yêu cầu trên và băn khoăn tự hỏi, bao giờ tất cả các tỉnh, thành, bộ, ngành đều nghiêm túc thực hiện yêu cầu này cả khi không có dịch bệnh.
Bởi, liệu “đi một ngày đàng” có học được “một sàng khôn” hay chỉ tốn tiền dân, tiền nước cho những cuộc du hí, rong chơi, thù tạc của một nhóm người?
Bùi Hoàng Tám