Đến “đau đầu” với chuyện tiền thừa, tiền thiếu…

(Dân trí) - Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT thuộc Bảo hiểm Xã hội) năm 2017 có kết dư hơn 39.000 tỷ đồng. Đây là con số gây chú ý trong những ngày gần đây, khi mà suốt một thời gian dài, nhiều người dân vẫn cảm thấy bất an trước thông tin bội chi các quỹ bảo hiểm xã hội.

Đến “đau đầu” với chuyện tiền thừa, tiền thiếu… - 1

Có điều, xung quanh con số kết dư này lại đang có những ý kiến trái chiều, chưa thống nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì đây là quỹ ngắn hạn đóng hàng năm. Người dân đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, người không hưởng thì cho người khác hưởng. “Việc kết dư đến giờ này 39.000 tỷ đồng khiến hệ thống, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng”, VOV ngày 11/10 dẫn lời Bộ trưởng Tiến.

Thế nhưng ngày 2/11, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lại giải thích với báo giới rằng: “Quỹ BHYT thực chất nhiều năm nay đã cạn do bội chi nhiều. Số tiền 39.000 tỷ đồng là thuộc Quỹ dự phòng Khám chữa bệnh BHYT được tồn tích nhiều năm qua. Vì theo Điều 35 Luật BHYT chúng ta phải dành 5% số tiền đóng BHYT cho dự phòng khi có thiên tai, địch họa”.

Theo khẳng định của ông Ánh thì “nguồn quỹ là chuyện nguồn quỹ, quyền lợi là quyền lợi”, nghĩa là kể cả trong trường hợp kết dư hay không có kết dư, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng… không ảnh hưởng.

Như vậy, trên góc độ của từng ngành phụ trách, đại diện Bộ Y tế và BHXH đều có lý riêng. Song câu chuyện sử dụng quỹ BHYT ở đây có lẽ không phải nằm ở con số 39.000 tỷ đồng này, và theo đó, việc kết dư có lớn hay không cũng chưa hẳn là một tin quá mừng.

Có câu “miệng ăn núi lở”, việc sử dụng không cẩn trọng thì dù hàng trăm nghìn tỷ kết dư cũng khó lâu dài. Tất nhiên, “cẩn trọng” không có nghĩa là chăm chăm vào việc giảm giá thuốc, giảm giá dịch vụ, mà điều cần thiết ở đây là chống thất thoát, lạm dụng trong quá trình dùng quỹ BHYT.

Mới năm vừa rồi, trong một báo cáo ra Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra thực trạng lãng phí khủng khiếp trong mua sắm trang thiết bị y tế. Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,8 tỷ đồng; nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Nói cách khác, hàng trăm tỷ đồng BHYT bị “đốt” vào những thiết bị chỉ để cất kho chứ không đem ra sử dụng!

Trong khi đó, thỉnh thoảng dư luận lại phải “hốt hoảng” với thông tin về các “siêu cao thủ” trục lợi bảo hiểm, ví như có người chỉ trong 4 tháng mà đi khám tới 123 lần! (Vietnamnet 23/5/2017). Nghịch lý đến cười ra nước mắt!

Cho nên, người viết bài này đồng tình với ý kiến của BT Tiến rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực còn hạn chế, cơ chế, thanh toán bảo hiểm y tế còn khó khăn… đây là những rào cản khiến chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Do vậy, việc xem xét để giải ngân và đầu tư cho y tế là vô cùng cần thiết, song song với đó sự giám sát và hạn chế thất thoát chặt chẽ nhất có thể.

Tiền BHYT là tiền của người dân đóng vào và rõ ràng họ cần được hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng, sòng phẳng.

Số kết dư có lớn dường nào, đầu tư hoành tráng bao nhiêu… mà người đóng BH vẫn phải chật vật trong chữa bệnh, gánh nặng chi phí lại đổ lên lưng người lao động và doanh nghiệp thì cũng vô nghĩa mà thôi!

Bích Diệp