Đề xuất mang tính “cách mạng” của Đại biểu Ngọ Duy Hiểu
(Dân trí) - Chỉ khi nào việc quản lý nhân sự được đánh giá bằng hiệu quả công việc thì khi đó, mới có thể loại bỏ được những ai năng lực yếu, lười biếng và cũng khó có cơ hội cho tầng lớp 5C, 4 ệ hoành hành…
Đó là giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Đại biểu Hiểu phân tích người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…
"Nhiều lĩnh vực cán bộ, công, viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin là có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Vì vậy, chúng ta đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà". Ông Hiểu nói.
Thật ra, đề xuất này “cũ người, mới ta” bởi ở một số nước tiên tiến, nhiều ngành nghề đã áp dụng phương pháp này từ lâu. Song, với nước ta thì vẫn coi như một cuộc “cách mạng” vậy.
Thực tế hiện nay cho thấy, làm việc ở nhà không chỉ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông, tránh mất thời gian cho việc đi lại, tốn điện nước và hàng loạt các chi phí sinh hoạt khác mà còn giảm thiểu đội ngũ phục vụ mà dân gian quen gọi là “bưng, bê, kê, dọn”.
Rồi diện tích sử dụng nếu chưa có thì sẽ đỡ tiền thuê, nếu có sẵn thì có thể cho thuê lại. Các hội “buôn dưa lê, bán dưa chuột”, túm năm, tụm ba đàm tiếu, thậm chí nói xấu nhau chắc cũng sẽ giảm nhiều.
Tuy nhiên, để thực hiện đề xuất này cần hai yếu tố rất cơ bản mà tiếc thay, đó lạ là cái mà đội ngũ công chức của chúng ta đang thiếu. Một là phải có một trình độ công nghệ thông tin nhất định và hai là tính tự giác cao độ.
Nếu trình độ thông tin không đủ ít nhất là ở mức tối thiểu, sẽ hoàn toàn bó tay và nếu thiếu tính tự giác thì công việc cơ quan bê trễ, chỉ chăm chắm đi chợ, đón con, lo việc gia đình.
Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể khắc phục nếu như có một cơ chế quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc và đó cũng là điều cần thiết để tạo dựng lên một phương cách lao động tự giác và hiệu quả.
Áp dụng cách làm này có một điều mang tính “cách mạng” nữa là thay phương thức quản lý lao động “đánh trống, ghi tên” bằng hiệu quả công việc.
Việc dùng hiệu quả công việc làm thước đo sẽ giúp các nhà quản lý đánh giá đúng khả năng và công sức của mỗi cá nhân đẻ từ đó, có những đãi ngộ tương xứng, thậm chí cho thôi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đội ngũ cán bộ, công chức phình to nhưng lại hoạt động kém hiệu quả hiện nay chính là bởi phương thức quản lý lao động bằng “đánh trống, ghi tên” dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Bùi Hoàng Tám