Để dân mình không còn đu dây qua sông
(Dân trí) - Sau 10 ngày phát động, chương trình “Nhịp cầu yêu thương” đã nhận được 360 tỉ đồng, số tiền này sẽ được sử dụng để xây cầu dân sinh cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết Bộ Giao thông & Vận tải sẽ nỗ lực hết mình trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, công khai và minh bạch.
Tại buổi lễ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành GTVT đồng thời cũng yêu cầu, việc quản lý, sử dụng nguồn lực đóng góp, ủng hộ phải được thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả nhất.
Một đất nước của thời đại tiên tiến thế kỷ 21, mà người dân còn đi lại bằng cách đu dây qua sông như diễn viên xiếc. Tính mạng của họ treo lơ lửng trên chiếc dây tử thần, thách thức cái chết từng ngày. Ông Nguyễn Chua, đu dây qua sông Krông Ana ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông đi hái cà phê. Và đó là chuyến đi cuối cùng của ông khi dây cáp đứt, ông rơi xuống mép sông tử vong. Cái chết của ông là một nỗi đau chung. Dân mình chết vì nước mình quá nghèo, không xây đủ cầu dân sinh cho dân đi lại an toàn.
Các cô giáo chui vào túi ni lông để cho miệng túi trùm quá đầu. Sau đó nhờ trai bản khỏe mạnh, biết bơi, kéo túi ni lông có “đựng” cô giáo qua suối. Những hình ảnh kinh hoàng đó đã gây sốc cho cộng đồng. Khó có thể diễn đạt hết cảm xúc của người xem khi nhìn thấy cảnh thê thảm này. Có lẽ trên thế giới, không có nơi nào có phương tiện giao thông đường thủy “sáng tạo” như Việt Nam. Làm người Việt Nam, không thể không đau xót khi thấy dân mình còn quá khổ như vậy.
Một vụ tai nạn thê thảm khác là một đám tang đi qua cầu Chu Va 6 ở xã Bình Sơn, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cầu sập khiến cho cả đoàn người đưa tang rơi xuống suối, 8 người thiệt mạng. Có cầu, nhưng cầu quá cũ, không duy tu, sửa chữa có khi còn nguy hiểm hơn không có cầu.
Đưa lại một số vụ tai nạn mới nhất liên quan đến câu chuyện có hay không những chiếc cầu dân sinh cho bà con vùng sâu, để thấy cần có thêm sự đóng góp để xây những “Nhịp cầu yêu thương” cho dân mình.
Với địa hình hiểm trở, cả nước cần đến 4.145 cây cầu dân sinh quy mô nhỏ với tổng mức đầu tư 8.339 tỉ đồng. Đa số địa phương miền núi không có kinh phí để xây cầu. Địa phương chờ trung ương rót tiền về xây cầu, nhưng tiền để xây cho hơn 4.000 chiếc cầu cũng cần tính toán, cân đối ngân sách. Cho nên, việc kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng là rất cần thiết, thêm những tấm lòng hào hiệp là có thêm một cây cầu.
Đã có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp và sẽ còn nhiều người sẵn sàng tham gia. Chương trình xây cầu cho các em học sinh đến trường do báo Dân trí phát động là một minh chứng và có thể được coi như mở đầu cho cách làm này. Đến nay, nhờ sự quan tâm, ủng hộ của bạn đọc trong và ngoài nước, chương trình đã hoàn thành 8 cây cầu với tổng số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.
Trở lại với chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, điều mà dân mong muốn là Bộ Giao thông Vận tải, Ủy Ban an toàn giao thông quốc gia quản lý chặt chẽ và sử dụng đồng tiền đóng góp hiệu quả. Sẽ rất đau đớn khi những đồng tiền đóng góp cho dân nghèo bị bớt xén, bị tham ô để cho ra những chiếc cầu chất lượng kém, chỉ sử dụng được thời gian ngắn rồi bỏ. Và nguy hiểm hơn, những công trình bị rút ruột đó đe dọa tính mạng của người dân như đã từng xảy ra ở cầu Chu Va 6.
Rất mong Bộ trưởng Đinh La Thăng giữ đúng cam kết.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!