Đầu năm “nhức mắt”, nhắc nhẹ chị em!

(Dân trí) - Dẫu có sống vội mức nào, chị em cũng nên dành chút thời gian ghi nhớ hành xử sao cho “đúng nơi, đúng chỗ”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Mới đầu năm mà ngay từ những chuyện nhỏ nhặt đã bị đánh giá “vô duyên”, “văn hoá thấp” thì thật chẳng hay ho gì!

m_di-le-chua.jpg

 

 

Một trong những nét đặc sắc của Tết, ấy là dịp để nhà nhà trang hoàng và người người xúng xính, trưng diện quần áo mới đón xuân.

Vấn đề cái ăn, cái mặc ở thời buổi hiện nay sẽ chẳng có gì phải nói nếu không phải đến mức quá đà, lố lăng, gây phản cảm, khó chịu cho người khác. Và vẫn là câu chuyện muôn thuở lại làm “nóng” dư luận trong Tết Kỷ Hợi này: Chuyện ăn mặc hở hang đi chùa.

Nói về vấn đề này trên Dân trí, Nhà văn Trần Thị Trường cho biết, bà cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy nhiều chị, nhiều em xinh, trang phục đẹp nhưng lại mặc không đúng chỗ. “Đẹp mấy mà không đúng chỗ thì cũng thành xấu” – Đây là nhận xét mà theo người viết là rất chính xác.

Chính vì vậy, những trang phục đó trưng diện chốn cửa chùa quả là điều đáng tiếc! Tiếc cho người mặc và tiếc cho cảnh quan chung bỗng bị phá vỡ bởi một/vài “điểm nhấn” không phù hợp.

Bà Trường lý giải, để xảy ra những sự đáng tiếc đó là bởi ý thức của mỗi người chưa cao. Nếu nói quá lên thì đó là “mù thẩm mỹ”, “lẫn lộn các ngưỡng văn hóa” – cách dùng từ rất đắt của nữ nhà văn.

Bà dẫn lời các triết gia: “Con người là động vật có tính xã hội”, hay “Tự do của mỗi người là điều kiện tự do của tất cả mọi người”, mỗi một hành động của con người đều tác động lên người khác.

“Sự hở hang, khêu gợi, lòe loẹt gây phản cảm sẽ làm nhức nhối cho người bên cạnh, cho không khí chung. Tôn trọng cái chung là văn hóa, phá vỡ cái chung đó là thiếu văn hóa, thậm chí vô văn hóa” – Bà Trường nêu nhận xét.

Ấy là từ góc nhìn của một người phụ nữ lớn tuổi. Còn trên cái nhìn bao quát mang tính xã hội học, Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, thực trạng đi lễ chùa hiện tại có rất nhiều điều để phàn nàn, không chỉ là vấn đề ăn mặc.

“Bây giờ người ta đi chùa không phải để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, hướng về cõi Thiện, cõi Phật mà để ăn mặc sang trọng, khoe mẽ, mang tiền đến cài vào tay Phật rồi thì cúng bái đồ xa xỉ, tốn kém. Đấy là biến tướng của việc đi chùa thời bây giờ, rất đáng lo ngại”, ông Lan nói.

Từ những biểu hiện này mới thấy rằng, ý thức ứng xử nơi công cộng của một bộ phận còn yếu, kém. Có thể họ chỉ “nhất cử lưỡng tiện” (du xuân rồi vào chùa vãn cảnh, thắp hương), hoàn toàn không có ý phô diễn, khoe khoang, làm quá, nhưng sự vô ý thường dẫn đến “vô duyên”, thậm chí bị đánh giá nặng nề là “vô văn hoá”.

Do đó, dẫu có sống vội mức nào, chị em cũng nên dành chút thời gian ghi nhớ hành xử sao cho “đúng nơi, đúng chỗ”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Mới đầu năm mà ngay từ những chuyện nhỏ nhặt đã bị đánh giá “vô duyên”, “văn hoá thấp” thì thật chẳng hay ho gì!

Nhưng nói qua nói lại, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc nâng cao ý thức cộng đồng (là chuyện“trường kỳ kháng chiến”) thì các đơn vị quản lý cần mạnh mẽ và chặt chẽ hơn nữa trong quy định về trang phục, cung cách ứng xử tại những các địa điểm công cộng.

Cũng tương tự như khi cần yêu cầu xếp hàng thì có thể thêm biển báo, rào chắn; khi yêu cầu không được hút thuốc thì có phòng hút thuốc riêng; khi muốn mọi người không xả rác thì phải có thùng rác, túi đựng…

Còn khi muốn đảm bảo sự tôn nghiêm chốn cửa chùa, có thể học hỏi Thái Lan, một đất nước vốn nổi tiếng đề cao tự do cá nhân, song ở bất cứ địa điểm chùa chiền nào, họ đều yêu cầu phải thay trang phục phù hợp trước khi vào cửa.

Một vài ý kiến nhỏ đầu năm, chỉ hy vọng sao trong những năm tới, những chuyện ý nhị như ăn, mặc bớt “nóng”, bớt “nhức mắt”, để niềm vui trong xuân mới được trọn vẹn, đủ đầy!

Bích Diệp