Đâu ai được “đặc cách” trong dịch bệnh…
(Dân trí) - Một người bạn nhắn tin cho tôi chia sẻ, chỉ trong ít tuần nữa, chuỗi cửa hàng thực phẩm của anh có thể sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực từ Covid-19, dù hiện tại vẫn đang được hưởng lợi...
Tuy nhiên, mối lo của anh không chỉ có doanh thu sẽ bị sụt giảm do biến động cung - cầu mà hơn thế là lo dịch sẽ lan đến các cửa hàng và nơi anh đang sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân viên, sức khoẻ của gia đình. Và tôi tin rằng, đó cũng là nỗi lo chung của các chủ doanh nghiệp hiện nay. Họ vẫn ưu tiên cho an toàn hơn là cố kiếm tìm lợi nhuận.
Dù chưa có công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về số liệu thống kê kinh tế vĩ mô tháng 3 và 3 tháng đầu năm, nhưng chắc chắn, phần lớn người dân và doanh nghiệp đều đã “thấm” tác động của dịch bệnh.
Kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải, ngân hàng… đều xiêu vẹo, nghiêng ngả. Đằng sau đó là số phận hàng vạn con người, là công ăn việc làm, là kế sinh nhai, là cơm ăn áo mặc.
Một công xưởng bị gián đoạn đơn hàng, sản xuất kinh doanh đình trệ, vẫn phải gánh nặng trả lương, đóng bảo hiểm, chi trả tiền hàng, tiền mặt bằng, tiền thuế phí. Song, bên cạnh đó còn đồng nghĩa với sự cắt giảm nhân sự: Cho ai nghỉ, giữ lại ai cũng là những lựa chọn đầy khó khăn và đau đớn của người quản lý.
Công nhân mất việc. Một gia đình bốn miệng ăn, vợ chồng thay nhau chăm con đang nghỉ học, lại còn thêm nỗi lo tiền thuê nhà, tiền điện nước…
Bức tranh nền kinh tế tự trong nó đã có những sự chuyển mình với những gam trầm buồn. Người người, nhà nhà đều ở thế phòng thủ. Các kênh đầu tư từ bất động sản, vàng, chứng khoán, trái phiếu… ế ẩm.
Thị trường cổ phiếu vốn được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với sức khoẻ doanh nghiệp, song đã giảm hàng chục tỷ USD vốn hoá với những phiên lao dốc chưa từng thấy trong lịch sử.
Bất kể ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nhận rõ sức tác động của dịch bệnh ngay trong thu nhập và phương thức làm việc của bản thân. Nhiều cơ quan, đơn vị đã cho phép nhân viên được làm việc ở nhà. Các báo cáo, họp bàn kế hoạch thực hiện qua internet.
Dịch bệnh, đặc biệt là với virus “siêu lây nhiễm” như SARS-CoV-2 trở thành tình huống bất khả kháng, không ai ngờ tới. Đại dịch không chừa một ai, không ai là ngoại lệ. Bởi đây là khó khăn chung, tình trạng chung, cho nên dù rất bất tiện, nhưng không ngành nghề nào, đơn vị nào, cá nhân nào có thể đòi hỏi được “đặc cách” cả.
Điều duy nhất mà những người dân như chúng ta cần làm và có thể làm để vượt qua giai đoạn dịch bệnh này một cách an toàn và nhanh chóng nhất, đó là tuân thủ nghiêm túc các khuyến nghị, quy định của Bộ Y tế và cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt.
Thủ tướng yêu cầu, ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người… Các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… được yêu cầu phải đóng cửa.
Cần thấy rằng, không chỉ ở đất nước chúng ta, mà cả thế giới đều đang gồng mình chống lại Covid-19. Có những nước đã phải đóng cửa biên giới, thậm chí là lệnh phong toả toàn quốc. Mục đích cuối cùng cũng là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, khi đó mới có thể sản xuất kinh doanh và phát triển.
Và trong cuộc chiến này, người viết hi vọng, sẽ có những chính sách được thiết kế để bảo vệ người yếu thế trong xã hội, hỗ trợ họ có nguồn lực để trụ vững trong dịch bệnh, quay trở lại công việc khi dịch bệnh đã đi qua… như tuyên bố: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bích DIệp