Doanh nghiệp kinh doanh “bết bát” chưa từng thấy vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đang đứng bên “bờ vực” và có thể sẽ phải đóng cửa.

Ngành vận tải khó khăn, ế khách vì dịch Covid-19

Doanh nghiệp "lao đao"... bên bờ vực

Ông Nguyễn Văn Vũ, đại diện một doanh nghiệp may mặc tại quận Tân Phú (TPHCM) cho biết, doanh nghiệp của ông nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, nguyên liệu không nhập được về xưởng. Nguồn nguyên liệu dự trữ đã cạn kiệt.

“Chúng tôi sản xuất cầm chừng và chỉ cố gắng cầm cự được thêm vài tuần vì không có nguyên liệu. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trả lương, bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn gánh nhiều chi phí khác như tiền thuê nhà xưởng, nợ ngân hàng”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, nếu tình hình không khả quan hơn thì doanh nghiệp sẽ đóng cửa tạm thời vào giữa tháng 3 vì nguồn tài chính đang “cạn” dần.

Bà Trương Hạnh, đại diện một cơ sở sản xuất túi xách, balo tại huyện Hóc Môn chia sẻ, hàng hóa tại xưởng của bà cũng đang bị ùn ứ vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Bà và hơn 50 lao động đang sản xuất cầm chừng để phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, nếu dịch Covid – 19 kéo dài thì nguy cơ đóng cửa xưởng sản xuất là rất lớn.

Doanh nghiệp kinh doanh “bết bát” chưa từng thấy vì dịch Covid-19 - 1

Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn vì Covid-19.

Ông Trương Văn Cầm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, nếu sau tháng 3/2020, nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn bị ách tắc thì nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ phải đóng cửa và hàng ngàn lao động cũng sẽ phải nghỉ làm.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông, điện lực, công ty cấp nước sạch, trạm thu phí BOT, doanh nghiệp đăng kiểm…để kêu gọi các đơn vị này hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Trong đó, vận tải hành khách giảm 30 – 40%, vận tải hàng hóa giảm 20 – 30%, đặc biệt là vận tải hàng hóa xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc giảm 80 – 90%. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh lại tăng cao khiến doanh nghiệp lại càng khó khăn.

Doanh nghiệp kinh doanh “bết bát” chưa từng thấy vì dịch Covid-19 - 2

Vận tải hành khách ế ẩm vì Covid-19. Ảnh: Đại Việt

Còn theo Cục Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 2/2020, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Theo ước tính sơ bộ của Cục Hàng không, dịch Covid-19 có thể sẽ tác động làm giảm doanh thu của các hãng bay Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng.

Không chỉ có ngành sản xuất, vận tải mà rất nhiều ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, da giày… Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì tình hình kinh doanh “lao dốc”.

“Hàng loạt” ngân hàng vào cuộc

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đã chung tay, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu…

Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng này sẽ triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với doanh nghiệp và 8,5%/năm đối với cá nhân. Thời gian triển khai gói vay sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2020 hoặc khi hết hạn mức”, đại diện Ngân hàng Sacombank thông tin.

Theo Sacombank, nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng này sẽ có chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay theo hướng dẫn và quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể là những khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, dệt may, da giày, nông nghiệp, nông thôn…

Doanh nghiệp kinh doanh “bết bát” chưa từng thấy vì dịch Covid-19 - 3

Các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân trong mùa dịch Covid-19.

Mới đây, Ngân hàng BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của ngân hàng có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ giữa tháng 2/2020 đến hết ngày 30/4/2020, Vietcombank cũng giảm lãi suất VND từ 1 - 1,5%/năm và ngoại tệ từ  0,5 - 0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn.

Đối với các khoản vay mới, Vietcombank cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng.

Không chỉ có ngân hàng lớn vào cuộc mà ngân hàng nhỏ như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân trong mùa dịch Covid-19.

Ngân hàng OCB đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng thuộc những ngành ưu tiên phát triển của khối MSME (doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ). Hỗ trợ lãi suất cho vay với các hộ nông dân trồng mía, các doanh nghiệp nhiệt điện…

Ngoài ra, ngân hàng này cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ online nhiều tiện ích để giúp khách hàng an tâm giao dịch, hạn chế việc đến trực tiếp quầy, để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng Số OCB chia sẻ, kể từ thời điểm dịch Covid – 19 xảy ra ở Việt Nam, các giao dịch điện tử thông qua kênh OMNI - ứng dụng di động của ngân hàng đã tăng trưởng trên 50%.

“Chúng tôi luôn khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể ẩn chứa virus như tiền mặt. Hiện OCB OMNI đã tích hợp hàng loạt dịch vụ phục vụ nhu cầu thanh toán 24/7 cho các tiện tích hằng ngày như thanh toán các loại hóa đơn, nạp tiền điện thoại, chuyển khoản liên ngân hàng… và tất cả các giao dịch này đều được miễn phí”, ông Tâm nói.

Đại Việt

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid - 19 để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, áp dụng với khách hàng có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1 – 31/3. 

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ phải thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính lẫn khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.