Dân trả lương cho quý vị làm văn bản cẩu thả hay sao?
(Dân trí) - Trong năm 2014, phát hiện 6.872 văn bản vi phạm quy định của Chính phủ trong số 1.255.808 văn bản mà các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tự kiểm tra. Trong số các văn bản đã phát hiện vi phạm, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã xử lý xong 5.997 văn bản; còn lại 875 văn bản trái pháp luật đã được đưa vào kế hoạch để xử lý theo quy định và hiện đang được cơ quan ban hành văn bản nghiên cứu, xử lý.
Gần 7.000 văn bản vi phạm quy định của Chính phủ đã được ban hành, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Rõ ràng, khi có những vi phạm đó, người dân gánh chịu, còn cán bộ soạn thảo và ban hành văn bản phủi tay.
Có một nguyên tắc hiện hành dễ như ăn kẹo, đó là ban hành văn bản vi phạm quy định, nếu bị phát hiện thì bỏ hoặc sửa. Nếu đơn giản như vậy thì ai cũng soạn văn bản được, ai cũng làm cán bộ được hay sao?
Cán bộ được nhân dân trả lương để làm nhiệm vụ trong các cơ quan nhà nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ nhà nước – công dân, các hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Các văn bản đó phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể có văn bản này trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật cao hơn hoặc xung đột với quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhưng trên thực tế, có quá nhiều văn bản được ban hành đã vi phạm các nguyên tắc cốt lõi nêu trên.
Dư luận từng sửng sốt khi tỉnh Quảng Nam có văn bản về việc sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh, Nghệ An có văn bản tiếp thị bia Sài Gòn, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thị, thành phố phải “tăng cường hợp tác” với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), lạm quyền hơn nữa là Thanh Hóa ra “luật” riêng để quản lý báo chí…
Vấn đề đặt ra là một văn bản trước khi ban hành phải đi qua nhiều cửa, từ khâu soạn thảo, đến thẩm định, rồi thông qua và ký ban hành. Nhiều khâu như vậy, nhiều cán bộ nghiên cứu như vậy, nhưng vẫn trật lất. Đến khi áp dụng vào thực tế, bị người dân than phiền, doanh nghiệp kêu trời, báo chí phản ánh, mới thấy cái sự ngớ ngẩn, cái sự tắc trách, thậm chí cẩu thả của những người có trách nhiệm biên soạn, thẩm định và ký ban hành.
Rõ ràng rất không công bằng khi nhân dân trả lương cho những cán bộ làm ra các sản phẩm pháp luật có chất lượng thấp, hay nói đúng hơn là sản phẩm không sử dụng được, có hại cho xã hội.
Vậy thì phải có biện pháp xử lý các ông cán bộ làm ra sản phẩm gây hại này. Một là phải bồi thường thiệt hại, hai là cho nghỉ việc, để trống chỗ cho người có đủ khả năng và trí tuệ thay thế.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!