Dân nghèo, cán bộ cần biết xấu hổ!

(Dân trí) - “Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”. Đó là tuyên bố của ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, Quảng Ngãi.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp) Đọc lời “cam kết” này, vừa cảm phục vừa thấy xót xa. Cảm phục vì tuy mới chỉ là lời nói nhưng nó đã thể hiện trách nhiệm và lòng tự trọng của một vị lãnh đạo cao nhất ở một địa phương. Câu nói “Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi”, theo ngôn ngữ dân gian hiện nay là “chuẩn không cần chỉnh”. Làm cán bộ mà để dân đói phải biết xấu hổ. Làm thủ trưởng mà để quân nghèo phải biết xấu hổ. Làm chủ tịch xã mà để dân đói phải biết xấu hổ. Làm bí thư huyện mà để dân đói phải biết xấu hổ… Và không chỉ là xấu hổ, đó còn là lỗi nên ông Nho cam kết “Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”. Có thể có ai đó nghi ngờ về tính hiện thực của câu nói này nhưng riêng mình thì mình tin. Tin ở cái chất thẳng thắn, bộc trực của người miền Trung, đã nói là làm, nói từ chức là từ chức, “lời nói đọi máu”. Cảm phục vì tinh thần trách nhiệm, dám “đặt cược” cái ghế của mình vào “một người dân không có gạo”… Nhưng sau niềm tin và cảm phục là một nỗi xót xa. Xót xa bởi lời “cam kết” của ông Chủ tịch Ba Tơ chỉ là tiếng nói đơn lẻ. Có bao nhiêu vị có chức vụ ở đất nước này dám “từ chức” khi để xảy ra đói nghèo? Xót xa bởi “từ chức” xưa nay vốn là xa xỉ ở Việt Nam ta. Xót xa còn bởi nội hàm của lời cam kết không để một người dân nào không có gạo chỉ gói gọn trong 03 ngày tết. Người xưa có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Ngày giỗ cha có thể phải nhịn đói để đãi khách nhưng giàu nghèo gì thì 3 ngày tết cũng phải được ăn no. Chao ôi! Cái câu thành ngữ từng ám ảnh đất nước này từ ngàn năm trước chẳng lẽ giờ đây vẫn còn như một bóng mờ chưa tan hẳn!? Cái giấc mơ ngàn đời trong cổ tích củ khoai to bằng cột nhà, quả bí ngô to bằng cái thúng còn ám ảnh dân tộc đến bao giờ? Đến bao giờ mỗi dịp tết đến, xuân về với mọi căn nhà để không còn phải nghe những lời “cam kết” xót xa này? Cần lắm những lời cam kết để dân đói nghèo thấy xấu hổ và xin từ chức!     Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!