Dân không xin mà yêu cầu chính quyền phục vụ
(Dân trí) - Bộ Nội vụ sẽ thực hiện điều tra xã hội học về chỉ số hài lòng của người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ giám sát để có được kết quả khách quan.
Điều tra xã hội học chọn 6 lĩnh vực dịch vụ hành chính công gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở (đối với cấp huyện). Cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực (đối với cấp xã). Kết quả sẽ được công bố vào tháng 10. 2015.
Những lĩnh vực được chọn điều tra trên rất sát sườn với đời sống của người dân. Mỗi người khi sinh ra đều làm giấy khai sinh, lớn lên làm chứng minh nhân dân, lấy vợ lấy chồng làm giấy kết hôn, rồi mua đất, cất nhà, sinh con đẻ cái. Sau đó, lại lo đúng cái vòng tuần hoàn của một đời người.
Những việc nêu trên kết nối mối quan hệ nhà nước – công dân và chính quyền cơ sở là nơi chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết mối quan hệ này. Chính vì lẽ đó, nếu chính quyền tốt thì dân nhờ, chính quyền kém thì dân chịu.
Lâu nay, người dân đến cửa công để xin được cấp các loại giấy trên, bị cán bộ nhà nước hành sách, thậm chí đòi tiền theo kiểu “Có ba trăm lạng việc này mới xong” (Truyện Kiều). Người dân đến cửa công trong tâm thế của một người đi xin, cán bộ chính quyền tiếp dân với thái độ của bậc bề trên, thích thì cho. Đã có nhiều trường hợp quan xã, quan huyện cư xử với dân như quan lại ngày trước.
Hãy nhìn vào các loại đơn thư mà người Việt Nam gửi tới cơ quan nhà nước sẽ thấy được bản chất của vấn đề. Đơn nào cũng ghi “Đơn xin…”. Tại sao lại phải xin mà không là đề nghị, yêu cầu?
Đúng ra, người dân không xin những điều đó mà yêu cầu chính quyền có trách nhiệm thực hiện. Dân đóng thuế để nuôi bộ máy chính quyền làm nhiều việc phục vụ nhân dân, trong đó có việc phục vụ các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết cho người dân theo quy định của pháp luật.
Chúng ta sẽ chờ đợi kết quả điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ, nhưng xét từ thực tế, có thể thấy rằng, người dân dứt khoát không hài lòng với thái độ phục vụ theo kiểu xin – cho, ban ơn mưa móc như quan lại với thảo dân. Người dân của xã hội dân chủ là công dân chứ không phải thần dân. Vì vậy, cần có sự thay đổi mà trước hết là từ trong nhận thức của chính những người làm việc trong bộ máy công quyền.
Đo sự hài lòng của dân cũng chính là đo chất lượng hoạt động của chính quyền. Mục đích là để nâng cao chất lượng của nền hành chính công, phục vụ nhân dân đúng bản chất của hai chữ “phục vụ”. Nếu đọc xong rồi cất kết quả vào ngăn kéo thì đọc làm chi cho mất thì giờ và tốn kém tiền bạc.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!