Dân không quan tâm có bao nhiêu thị xã lên thành phố
(Dân trí) - Nhiều địa phương có đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính hoặc thành lập thị xã, thành phố. Cùng với sự điều chỉnh này là số tiền chi ra không nhỏ, đơn cử như khoảng 6.500 tỉ đồng để thị xã Bắc Kạn lên thành phố.
Tổng số tiền đầu tư cho các tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Bạc Liêu để “mở rộng”, “nâng cấp” địa giới hành chính khoảng 26.000 tỉ đồng.
Mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp từ thị xã lên thành phố có thay đổi được gì cho các địa phương không, chắc chắn đề án nào cũng có đặt ra những lợi ích mang lại từ đề án. Nào là cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế xã hội, nào là chỉnh trang đô thị, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Sau khi thành lập các đơn vị hành chính mới thì không thể để các trụ sở cơ quan mới nhếch nhác được nhưng như vậy thì cần số lượng tiền rất lớn, với số lượng này thì không hiểu lấy nguồn lực ở đâu?”.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho rằng có thể yên tâm về chuyện tiền bạc: “Trong 26.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh nói trên thì tiền từ ngân sách trung ương chỉ có 1.700 tỷ đồng, còn phần chính thuộc về ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác”. Tiền trung ương hay tiền địa phương thì cũng là tiền và là tiền của dân.
Tất nhiên, xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng, điện, đường, trường, trạm thì người dân sẽ được thụ hưởng. Nhưng những trụ sở mới thì sao, tiền chi cho những thứ “điều chỉnh” này không nhỏ, dân có hưởng được ích lợi gì từ những trụ sở này không? Trụ sở to lớn có thay đổi được chất lượng hành chính từ lạc hậu thành tiến bộ không?
Thêm thành phố, thị xã thì phình to bộ máy, mua sắm thêm xe cộ, nuôi thêm nhiều người. Liệu những cam kết không tăng biên chế có thực hiện được? Chia tách các đơn vị hành chính, thêm chức, thêm ghế, lại thêm những cuộc chạy chức chạy quyền. Liệu có cam kết không có chuyện chạy chức chạy quyền?
Và vấn đề quan trọng nhất đặt ra là, liệu những sự “nâng cấp hành chính" này có làm cho các địa phương này giàu lên không, mạnh lên không?
Thị xã hay thành phố chỉ là tên gọi, nếu như bản chất của nó không thay đổi. Cũng những con người cũ, cách làm cũ, tư duy cũ thì thị xã hay thành phố chẳng khác gì nhau ngoài cái tên.
Chuyển tên gọi hành chính lên thành phố nhưng tầm nhìn và tư duy vẫn cấp thôn xã thì chẳng thay đổi được gì.
Dân không quan tâm họ đang sống trong thành phố hay thị xã, họ đang sống trong tỉnh lẻ hay thành phố trực thuộc Trung ương. Dân chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ, có cơm no áo ấm, có công bằng, dân chủ và hạnh phúc hay không? Dân chỉ quan tâm đến đất nước có giàu mạnh, cường thịnh hay không, chứ có lẽ chẳng mấy quan tâm chuyển đổi được bao nhiêu huyện lên thị xã, bao nhiêu thị xã lên thành phố, bao nhiêu tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!