Cuộc "chiến tranh nhân dân" chống nạn thực phẩm bẩn

Hoàng Lam

(Dân trí) - Kiểm soát chất lượng thực phẩm phải được thực hiện từ khâu sản xuất, bảo quản. Chống nạn thực phẩm bẩn, cần sự vào cuộc cả từ người sản xuất, quản lý đến người tiêu dùng.

Cuộc chiến tranh nhân dân chống nạn thực phẩm bẩn - 1

Báo Dân trí đưa tin, Hà Nam là một trong những địa phương tiên phong sử dụng mạng lưới cộng tác viên quản lý chất lượng nhằm chống thực phẩm bẩn. Chỉ với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng nhưng bước đầu, đội ngũ này đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giúp các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.

Vụ hai người ở xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý bị khởi tố vì làm giò chả có hàn the gây nguy hại sức khỏe cộng đồng là một trong những kết quả của hoạt động cộng tác viên chống thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn, đó là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng và là cuộc chiến chưa có hồi kết của cơ quan chức năng. Trên thực tế, nhận diện thực phẩm bẩn cũng là một trong những hạn chế của cuộc chiến với vấn nạn này.

Vì lợi nhuận và xuất phát từ nhận thức, một bộ phận không nhỏ nhà sản xuất vẫn lén lút sử dụng các phụ gia, các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo để sản xuất thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước.

Trong khi với xuất khẩu, do những yêu cầu khắt khe từ thị trường nước ngoài nên chúng ta làm tốt thì trong nước, vấn nạn thực phẩm bẩn càng gay gắt hơn.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng chưa đủ thông thái và tỉnh táo để lựa chọn thực phẩm không gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện về kinh tế để mua và sử dụng thực phẩm sạch - vốn được bán với giá cao hơn nhiều thực phẩm cùng loại nhưng không được xác nhận là "sạch" ngoài thị trường.  

Thời gian vừa qua, nhiều biện pháp mạnh tay trong xử lý hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm bẩn đã được triển khai. Trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan và các địa phương cũng được quy định cụ thể. Thế nhưng, đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn và dai dẳng.

Bài toán giữa chi phí sản xuất và lợi nhuận buộc người sản xuất và kinh doanh phải lựa chọn, dẫu rằng sự lựa chọn của họ sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, nhất là trong một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nạp vào cơ thể các loại thực phẩm "bẩn" và tình trạng gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe. Nhẹ thì ngộ độc, nặng thì nhiễm độc, mắc các bệnh về gan, ung thư...

Những nghiên cứu có tính cảnh báo ấy vẫn chưa thể triệt tiêu được nguồn gốc của vấn nạn sản xuất, mua bán, sử dụng thực phẩm bẩn. Ngành chức năng, với những hạn chế về lực lượng, phương tiện, kinh phí... nên dẫu nêu cao trách nhiệm công vụ và quyết tâm nhưng xem ra, vẫn chưa thể thực hiện được vai trò của mình như kỳ vọng.

Tuyên chiến với vấn nạn thực phẩm bẩn cần phải thực hiện ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh đến khâu tiêu thụ. Nhiệm vụ này không thể trông chờ vào mỗi ngành chức năng mà phải là một cuộc "chiến tranh nhân dân".

Khi không còn tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn và khi người tiêu dùng nói không với thực phẩm bẩn thì vấn nạn này mới có thể giải quyết một cách triệt để.

Giải pháp này rất khó nhưng không phải không thực hiện được nếu có sự quyết tâm và trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và người dân.