Củng cố cái gốc ngăn ngừa tội phạm
(Dân trí) - Vừa qua, khắp cả nước xảy ra nhiều vụ án giết người man rợ, trong đó có 4 vụ thảm sát. Những vụ án này cũng tác động đến tâm lý chung của cộng đồng, trong đó có lứa tuổi vị thành niên. Một xã hội mà mở báo đọc là có tin giết người, tin vụ án, thì con người sẽ chai lì cảm xúc trước án mạng, coi chuyện vụ án là bình thường. Rất nguy hiểm.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Bộ Luật hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 3/9, Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TPHCM đề nghị bổ sung hình phạt đối với loại tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên.
Trước đây, đã từng có đề nghị tăng hình phạt đối với tội phạm vị thành niên, nhưng vẫn chưa thực hiện bởi vì có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng nhân loại văn minh đã đưa ra chuẩn mực về lứa tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, không nên đi ngược lại với các chuẩn mực văn minh, đặc biệt là đối với án tử hình.
Tuổi vị thành niên, chưa nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội, cho nên chú trọng giáo dục hơn hình phạt. Đây là quan điểm nhân văn, rất đáng được ủng hộ.
Nhưng thực tế tội phạm của mỗi quốc gia có sự khác biệt. Tại Việt Nam, tỉ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng đáng báo động. Có nhiều vụ án giết người khủng khiếp như Lê Văn Luyện hoặc nhiều vụ đâm chém rùng rợn khác, rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Chưa kể, thời đại bùng nổ thông tin, trẻ em lên mạng, xem phim bạo lực hoặc những thứ tiêu cực khác, ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến hành động mất kiểm soát. Nhiều vụ án cho thấy, kẻ phạm tội thực hiện theo phim ảnh.
Hiện nay ra đường, chỉ cần va quẹt xe, nhiều cô cậu “choai choai” sẵn sàng xông vào hành hung, bất kể người lớn tuổi đáng bậc cha chú của mình. Những vụ ném đá xe khách xảy ra gần đây, có vụ đã bị bắt và đưa ra xét xử, trong số đó có người ở tuổi vị thành niên. Tuy chưa điều tra cụ thể, nhưng chắc chắn phần lớn những kẻ chuyên đi ném đá xe khách ở lứa tuổi vị thành niên.
Cho nên, đề nghị tăng hình phạt đối với tội phạm vị thành niên rất có cơ sở. Tăng hình phạt là một cách răn đe, phòng tội phạm hơn là chống tội phạm. Nên xem xét để bổ sung hình phạt phù hợp, đủ sức răn đe đồng thời đảm bảo tính nhân đạo.
Tăng hình phạt để răn đe tội phạm là cần thiết, nhưng đó không phải là cái gốc. Để xã hội bớt đi tội phạm, cái gốc vẫn là giáo dục. Giáo dục học đường, giáo dục tôn giáo, giáo dục đoàn thể, và gốc của gốc là giáo dục gia đình.
Nếu như các nền tảng giáo dục trên không được củng cố, thì có tăng hình phạt lên đến tử hình cũng không ngăn ngừa được tội phạm vị thành niên.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!