Covid-19 còn ngay đó, tiền cũng biết chảy vào đâu?
(Dân trí) - Một khi triển vọng kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng, chưa nói đến những người tiểu thương ngoài chợ gặp khó khăn, cả đến những người có tiền mặt, họ cũng lúng túng không biết làm gì để sinh lợi nhuận.
C
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Tiền gửi của người dân tại ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại trong các năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay là điều dễ hiểu, khi mà xu hướng này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì mức thấp.
Với mặt bằng lãi suất giảm từ 1,5% đến 2,5%, lãi suất huy động kỳ hạn một tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thế nhưng, thật ngạc nhiên thay, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 4,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2020.
Đây được xem là một chỉ số bất ngờ bởi dữ liệu thống kê cùng kỳ từ năm 2012 đến nay cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu ở trạng thái tăng trưởng âm, thường chỉ có tăng trưởng dương vào nửa cuối các năm.
Vậy là, những doanh nghiệp có nguồn tiền dư dả trong thời gian này lại ưu tiền gửi tiền ngân hàng thay vì đầu tư, kinh doanh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có sự gia tăng, với 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, giai đoạn này còn có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Khi mà dịch Covid-19 với biến chủng mới sau khi tấn công vào các khu công nghiệp ở miền Bắc tiếp tục "đánh" vào trung tâm kinh tế của cả nước là TPHCM và các "vệ tinh" - nơi tập trung những khu công nghiệp lớn ở phía Nam, để vực dậy triển vọng kinh tế trong nửa còn lại của năm 2021 là cả một thách thức.
Trong khi phải đảm bảo an toàn cho người lao động, lượng đơn hàng suy giảm mạnh, doanh nghiệp vẫn phải gồng mình để trả lương, trả tiền mặt bằng, trả nợ và cân đối giá vốn kinh doanh. Khi quá ngưỡng chịu đựng, buộc doanh nghiệp rời bỏ thị trường, kèm theo là số người thất nghiệp.
Còn nếu "sống sót", họ cũng phải cắt giảm. Một số chủ doanh nghiệp còn dùng tiền để đầu tư vào những kênh như chứng khoán, bất động sản để lấy lãi từ những mảng này bù đắp vào phần hụt thu ở kênh sản xuất chính, mong cầm cự đến khi tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại.
Tuy vậy, kể cả chứng khoán và bất động sản cũng không thể tăng mãi. Về nguyên lý, thị trường tài sản vẫn phải phản ánh đúng triển vọng tăng trưởng kinh tế. Khi triển vọng giảm xuống, bất động sản và chứng khoán đều hạ nhiệt.
Chỉ trong vòng 2 tuần qua, VN-Index giảm gần 200 điểm so với đỉnh, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, nợ nần. Còn tại thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng khẳng định, thị trường đất nền đã có hiện tượng giảm giá mạnh 10-20% so với hồi cao điểm.
Nguyên nhân là thị trường hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 4, sau đó là tác động của dịch bệnh khiến nhà đầu tư cân nhắc quyết định chuyển dịch dòng tiền.
Từ đó mới thấy, một khi triển vọng kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng, chưa nói đến những người tiểu thương ngoài chợ gặp khó khăn, cả đến những người có tiền mặt, họ cũng lúng túng không biết làm gì để sinh lợi nhuận.
"Chìa khóa" để lưu thông dòng tiền nói cho cùng vẫn đang nằm ở khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Chúng ta dẫu vội vã cũng không thể kiếm tiền một cách nhanh chóng khi tất cả đều khó khăn. Muốn nhanh cũng phải bình tĩnh, cùng Nhà nước tuân thủ các biện pháp chống dịch.
Chỉ khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và hoạt động kinh tế, đời sống người dân quay trở lại nhịp sống bình thường thì khi đó, doanh nghiệp mới hi vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư sẽ rộng mở.