Công trình khủng, thất thoát tài sản Nhà nước
(Dân trí) - Khi viết bài này, bản thân người viết vẫn không khỏi băn khoăn, rằng dường như xã hội đang tồn tại những vấn đề hết sức kỳ lạ, mà những sự kỳ lạ đó lại đang dần trở nên quá đỗi bình thường, còn dư luận thì lúc nào cũng… “nóng”.
Chẳng hạn như doanh nghiệp, người dân thì kêu than khắp các diễn đàn, hội thảo về việc bị thanh tra, kiểm tra thái quá. Đến xây cái chuồng gà cũng phải xin phép, rồi ở TPHCM cách đây 2 năm có cả chuyện khởi tố chủ đất vì xây chòi vịt…
Ấy thế mà, cả một “cuộc đua” xây biệt phủ của nhiều quan chức các địa phương, những công trình “khủng” sai phép thi nhau mọc lên và cả những vụ bán đất công hàng nghìn tỷ đồng với giá rẻ diễn ra nhiều năm, ở nhiều nơi lại không ai rõ.
Chỉ xin dẫn ra mấy câu chuyện còn chưa ráo mực trên báo chí mấy ngày hôm nay:
Câu chuyện thứ nhất là ông Men Pholly, Bí thư huyện uỷ Tri Tôn, tỉnh An Giang vừa bị cảnh cáo về mặt Đảng vì sai phạm trong kê khai tài sản, cùng vợ vay tiền mất khả năng chi trả. Mà tất cả “tai ương” đó dường như lại xuất phát từ một sai lầm khác của ông này, đó là để vợ làm khu du lịch Hồ Soài So chưa đúng quy định.
Theo phản ánh trên báo Dân trí thì ông Men Pholly có kê khai tài sản nhưng lại không công khai chi tiết, đầy đủ (vấn đề này cũng không có gì lạ). Đến khi Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ An Giang vào cuộc thì mới lộ ra chuyện nợ nần và cả vấn đề vi phạm của ông bí thư huyện uỷ.
Không hiểu suốt quá trình vợ chồng ông này đầu tư khu du lịch “chưa đúng quy định pháp luật” như đã nói trên thì những cơ quan khác, tổ chức Đảng, chính quyền ở địa phương làm gì!?
Câu chuyện thứ hai liên quan đến những công trình xây dựng mọc trên đất nông nghiệp trong khu trang trại kinh tế tổng hợp cá-lúa của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hương, tại thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hoá.
Những công trình này gồm khu làng ẩm thực, vui chơi giải trí, trồng cây cổ thụ, cây cảnh... có quy mô “khủng”. Trong khi đó, khoản 5, Điều 142, Luật Đất đai 2013 có quy định rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.
Vấn đề còn chỗ, ông Nguyễn Xuân Hương là em trai của ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP.Thanh Hóa và những công trình nói trên cũng mới chỉ được báo chí đưa tin chứ vẫn đang phải chờ các phòng chức năng và UBND xã Quảng Thịnh rà soát, xác minh theo chỉ đạo của ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá.
Câu chuyện thứ ba, đó là phát ngôn của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại Chương trình HĐND TP Đà Nẵng với cử tri diễn ra sáng 15/5. Tại sự kiện này, PV Dân trí đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Liệu những khu đất được giao cho những cái tên không có thật có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) hay không?
Ông Thơ nói, để trả lời được câu hỏi này cần phải nghiên cứu pháp lý nên ông chưa thể trả lời chắc chắn ngay được. Song lãnh đạo TP Đà Nẵng có phát biểu rằng: “Có thể nói rằng những khu đất này đã được giao sai, và cũng rất có thể liên quan đến Phan Văn Anh Vũ”.
Từ những câu chuyện trên cho thấy, điều quan trọng hơn nữa là khi dư luận đã “nóng” lên, những vi phạm được phanh phui thì cơ quan có trách nhiệm phải xử lý thế nào để không còn người dám vi phạm. Chứ “dập” được chỗ này lại phát sinh chỗ khác thì bao nhiêu chuyện “lạ” sẽ lại hoá “quen”, thậm chí “… hoá bùn”.
Bích Diệp