Công thức báo cáo khiến không ít chức sắc “mở cờ trong bụng”
(Dân trí) - Lại một báo cáo được công bố mà dám chắc rằng, sẽ khiến không ít vị “chức sắc” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hoá “mở cờ trong bụng”.
Có tới 24 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được thực hiện tại đơn vị này trong vòng 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017). Hàng năm, có hàng trăm người ở đây phải thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đáng mừng thay, không có ai bị xử lý, kỷ luật do kê khai, công khai tài sản và thu nhập!!
Không những thế, “thông qua các hoạt động, như: Tự kiểm tra nội bộ tại cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc; qua công tác giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Thanh tra thuộc các cơ quan Trung ương, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và Thanh tra Sở NN&PTNT; việc kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Sở tại các Chi bộ trực thuộc... đều chưa phát hiện có vụ việc tham nhũng nào xảy ra tại Sở này cũng như các đơn vị trực thuộc”.
Giá như thực tế cứ như báo cáo…
Thế nhưng đáng tiếc là những báo cáo kiểu này lại được làm ra để tự động viên nhau, tự an ủi nhau, hoặc là để báo cáo thành tích là chủ yếu chứ không phải là để nhằm mục đích xây dựng.
Bởi, sẽ thật khó mà tin nổi về những kết quả nói trên khi mà tại chính đơn vị này cách đây không lâu đã xảy ra sự việc nguyên Giám đốc Sở thực hiện “chuyến tàu vét” bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về nghỉ hưu.
Điều đáng nói là dường như những báo cáo tương tự về công tác phòng, chống tham nhũng tại nhiều đơn vị bộ, ngành, địa phương thời gian qua lại có chung một công thức, một kết quả là “không”: không tìm thấy, không phát hiện, không có.
Chẳng hạn như, vừa mới đầu tháng này, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2018 ở TP Đà Nẵng cho biết “không phát hiện tham nhũng và lãng phí”.
Và hồi tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định với cử tri rằng, các đoàn kiểm tra “không phát hiện có tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu giá”.
Thậm chí, có những đơn vị, khi tổng kết lại 10 năm phòng, chống tham nhũng cũng tự hào về sự trong sạch của đơn vị mình vì không phát hiện ra trường hợp nào.
Tại TPHCM, hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phải “giật mình” khi đọc báo cáo cho thấy không ai bị xử lý tham nhũng qua hơn 37.000 bản kê khai thu nhập cán bộ, công chức và cũng chưa phát hiện ai tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm 2017 TPHCM tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu tại 63 đơn vị và kết quả là chưa xử lý trường hợp nào.
“Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết”, “thiếu hiệu quả” là những nhận xét của Bí thư Thành uỷ TPHCM về công tác phòng chống, xử lý tham nhũng ở địa phương này.
Về đánh giá của ông Nguyễn Thiện Nhân, rằng: “Riêng báo chí mỗi năm cũng có khoảng 1.000 thông tin liên quan đến tham nhũng nhưng chúng ta chưa tập hợp thông tin để xử lý”…, với tư cách một nhà báo, người viết quả thực không biết là nên tự hào về các đồng nghiệp của mình, cảm ơn sự ghi nhận của lãnh đạo TPHCM hay là nên thất vọng và buồn thay về những bản báo cáo của những đơn vị có vai trò thanh, kiểm tra.
Chỉ cảm thấy rằng, với hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuộc thanh, kiểm tra như thế, tốn bao nhiêu thời gian, vật lực mà kết quả biết trước là “không…”, thì liệu có thỏa đáng hay không?
Bích Diệp