Công khai danh tính khi biểu quyết
(Dân trí) - Ngày 6.10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
(Minh họa: Hồng Anh)
Theo cơ cấu Nhà nước Việt Nam hiện nay, con số này là 49 vị.
Đây có lẽ là một bản dự thảo được chuẩn bị công phu nhất với thời gian dài nhất. Và nó đã cho thấy một kết quả hợp lý nhất, đặc biệt là trong việc xác định các chức danh tại thời điểm hiện nay. Nó không quá tập trung nhưng cũng không quá dàn trải. Xin thành thật, nếu như tất cả các thành viên trên mà đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì không có lý gì cản trở nổi sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Người xưa có câu: “Đầu xuôi đuôi lọt”.
Nếu như tại kỳ họp tới đây, bản dự thảo được Quốc hội thông qua, Quốc hội nhiệm kỳ này còn làm được một việc mà đã hơn 10 năm, qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội chưa làm được. Đó là đưa Điều 12 trong Luật tổ chức Quốc hội vào cuộc sống: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.
Nói một cách hình ảnh, Quốc hội đã trả được “món nợ” với chính mình.
Tuy nhiên, có lẽ điều mà cử tri mong mỏi hơn nữa, các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được tổ chức công khai, được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. Cử tri luôn có một nguyện vọng chính đáng là biết được các đại biểu do mình bầu ra đã làm gì và hành xử như thế nào tại nghị trường.
Điều mong mỏi thứ hai, những cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nên công khai quan điểm của đại biểu (tất nhiên là đối với những gì không thuộc bí mật quốc gia). Bởi trên thực tế, bất cứ việc gì khi đã dùng đến biểu quyết tức là chấp nhận có người đồng ý, có người không thể hiện quan điểm và có người phản đối. Đó là điều bình thường của khoa học và là điều tất yếu của cuộc sống.
Công khai quan điểm còn là hình thức nâng cao trách nhiệm của đại biểu với chính lá phiếu của mình. Sau này, khi tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp, cử tri có thể đặt vấn đề vì sao Đại biểu đồng ý hoặc không đồng ý với việc đó?
Thậm chí sâu xa hơn, mỗi đại biểu còn phải đối mặt với lịch sử về những quyết định của mình ngày hôm nay. Bởi đó luôn là những vấn đề trọng đại, liên quan đến vận mệnh đất nước.
Nhìn ở khía cạnh khác, nếu làm được điều này, Quốc hội đã thực hiện được ý Đảng, lòng Dân bởi quan điểm của Đảng là công khai, minh bạch ‘Dân biết, dân bàn…” còn nhân dân thì luôn luôn mong mỏi sự công khai đó.
Trả lời chúng tôi qua điện thoại, ĐB Dương Trung Quốc, một người luôn “cổ súy” cho việc công khai danh tính còn cho rằng việc này là một cơ sở để cử tri giám sát đại biểu Quốc hội.
Nguyên Phó chủ nhiệm UB VH-GD-TTN&NĐ Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết không chỉ đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc mà còn đề nghị cao hơn, đó là cần tạo ra một cơ chế thích hợp để cử tri giám sát đại biểu do mình bầu ra.
Bạn có “cổ súy” cho việc công khai danh tính này như ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết và ĐB Dương Trung Quốc?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!