Còn nỗi đau nào hơn cái chết của cháu bé trước buổi học online đầu tiên

Hoàng Lam

(Dân trí) - Cái chết của cô bé 6 tuổi ngay trước buổi học chính thức đầu tiên khiến nhiều người không khỏi đau đớn, xót xa. Càng thương tâm hơn, cơ quan chức năng phát hiện cháu có dấu hiệu bị bạo hành.

Còn nỗi đau nào hơn cái chết của cháu bé trước buổi học online đầu tiên - 1

 (Nhà của cháu bé bị niêm phong).

Ngày 16/9, cháu L.H.A. (SN 2015, trú tại Hà Nội) được kết luận tử vong khi gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đó là ngày diễn ra buổi học online chính thức của em sau 10 ngày làm quen với cô giáo, với bạn bè qua máy tính.

Tôi đã mất ngủ vì ám ảnh khi nhìn thấy bàn tay của em. Bàn tay chưa kịp cầm phấn, cầm bút đã hằn lên những vết bầm tím. Vết bầm ấy chưa rõ là dấu hiệu của bạo hành hay là vết hoen tử thi và tôi tin, nó không chỉ ám ảnh tôi mà với bất cứ những người cha, người mẹ khác...

Nhưng vì cái gì đi nữa thì bàn tay ấy đã vĩnh viễn nắm lại để trở về với cát bụi. Cuộc đời em vĩnh viễn dừng lại khi vừa mới bước vào những bài học đầu tiên...

Cái chết của em hiện tại là một ẩn số bởi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ việc. Thông tin ít ỏi đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy, bệnh viện phát hiện có dấu hiệu bạo hành trên cơ thể bệnh nhi. Người bố khi bị công an tạm giữ hình sự sau đó đã thừa nhận trưa hôm ấy có đánh con.

Tôi chưa có cơ sở để tin rằng đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé xấu số trên. Và trong thâm tâm, tôi cũng mong là như vậy, bởi nếu một đứa trẻ tử vong vì lý do gì cũng là một nỗi đau lớn, chưa nói đến việc bị chính người bố bạo hành đến chết thì quá khủng khiếp.

Nhưng rõ ràng dấu hiệu ở đây cho thấy, tình trạng bạo hành đã xảy ra, ngay trong mái ấm của em, từ chính người đã sinh thành, dưỡng dục em bấy lâu nay.  

Từ bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết "yêu cho roi, cho vọt". Và thực tế có những đứa trẻ hư đã được uốn nắn, đưa vào khuôn khổ bằng đòn roi. Nhưng đó là quan niệm dạy dỗ đã lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay, khi mà mỗi đứa trẻ sinh ra cần được yêu thương, dạy dỗ và phát triển trong môi trường tốt nhất, khoa học nhất.

Tôi cũng là một người mẹ, cũng đã từng nóng giận, đã từng thiếu kiềm chế mà đánh con, chỉ vì con không nghe lời, con bướng hay bày mãi vẫn không hiểu bài. Qua "cơn điên" lại thấy hối hận, day dứt và thương con nhiều hơn. Nếu biết kiềm chế, có lẽ tôi đã không làm tổn thương con như thế.

Nói thế để hiểu rằng, làm cha, làm mẹ không bao giờ là dễ. Và để làm một người cha tốt, người mẹ hiền lại càng khó. Đó là cả một quá trình phải tự đúc rút từ cách ứng xử hàng ngày và cũng chịu sự tác động từ những gì diễn ra quanh mình.

Lâu nay, tôi thường nghe tới những lớp học tiền hôn nhân hay lớp học tiền sản. Nên chăng, chúng ta cũng cần tổ chức những lớp học về làm  cha, làm mẹ, bởi không phải ai sinh con ra cũng đều biết cách làm người bố, người mẹ tốt.

Trong cuộc sống có quá nhiều lo toan và áp lực, thì việc dạy bảo con đúng cách cũng trở thành một thứ áp lực mà những người làm cha, làm mẹ phải đối mặt. Không vượt qua được áp lực ấy, vô hình trung họ trút sự nóng giận lên đầu, lên người con trẻ bằng cả hành động và lời nói. Bởi vậy, việc được trang bị những kỹ năng trong ứng xử với con cái cũng hết sức quan trọng, ít nhất là kỹ năng tự kiềm chế sự giận giữ của mình để không gây tổn hại tới tinh thần và thể chất con trẻ.

Trẻ con sinh ra là để yêu thương. Hãy để trẻ được yêu thương và an toàn, trong gia đình mình và bên cạnh những người thân yêu của mình cũng như ngoài xã hội.