Cơ hội ngầm

Tưởng như chẳng liên quan giữa câu chuyện Joe chia sẻ về việc thi trượt ĐH và chuyện “Cô gái lái xe bằng chân”. Thực tế đó là cách Joe đem lại một cách nhìn thoải mái và xác thực về tương lai của người trẻ. Hãy dũng cảm chấp nhận và bước đi…

Chúc mừng các em học sinh vừa hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tôi sẽ tặng mỗi em một quả Dâu.

 

Bước tiếp theo là thi đại học. Sẽ có hai hết quả: thi đỗ và thi trượt.

 

Tôi chúc mừng các em sẽ thi đỗ. Nhưng thi đỗ cũng đủ là một lời chúc mừng rồi, tôi chúc mừng thêm là cho đường vào cốc nước mía.

 

Hôm nay tôi muốn dành một lời chia sẻ đặc biệt cho các em học sinh sẽ thi trượt đại học. Các em may mắn hơn.

 

Vì sao hả chú  Joe?

 

Các em ngồi xuống đi, để chú Joe sẽ nói. 


Cơ hội ngầm - 1



 

Trước hết, các em nghiên cứu các trường đại học, chuẩn bị và thực hiện bài thi. Chính điều đó chứng tỏ các em muốn học tiếp, và sự mong muốn ấy là trên hết. Ngoài sự mong muốn ấy ra có cái người ta gọi là “khả năng” còn tôi gọi là “chuyện nhỏ”.

 

Khả năng là khái niệm mơ hồ và chủ quan. Khái niệm càng mơ hồ và chủ quan với các môn xã hội, văn hóa, v.v. Môn toán thì đơn giản, hai cộng hai bằng bốn. Nhưng thế nào là bài viết tốt?...

 

Ví dụ, em thi trượt đại học chỉ có nửa điểm. Biết đâu ông cuối cùng chấm bài viết của em vừa cãi nhau với anh taxi xong. Hôm trước ông ấy cho một bài viết chất lượng tương đương bài em 7 điểm. Nhưng hôm nay căng thẳng quá (còn chủ để em chọn là “Cách ứng xử nơi công cộng”) nên ông ấy cho 6.5 điểm thôi.

 

Ông không muốn như thế  đâu; ông thực sự muốn công bằng với em. Không ai muốn em trượt vì lý do cá nhân, riêng tư của ban giám khảo. Nhưng ông ấy là con người, không phải robốt. Ông vô thức nhận ra lỗi ngữ pháp và tư duy (có thể là rất nhỏ) hôm trước không nhận ra. Rất có thể em thi trượt Đại Học Văn Hóa một phần vì một hành động thiếu văn hóa của một anh taxi chưa bao giờ liên quan đến đời em.

 

Khả năng của em hơn đa số học sinh thi trượt, nhưng “hóa năng” của em thì chưa; phải có vật xúc tác mới tạo được sự phản ứng. Vật xúc tác ấy là sự may mắn.

 

Hoặc đơn giản  em không đồng quan điểm với người chấm. Em viết quá hay, khái niệm quá phong phú, quá mới lạ, người chấm không cảm nhận được hết. Vũ Trọng Phụng xuất bản vở kịch đầu tay khi mới 19 tuổi, khi đó đã hơn đa số biên kịch cả nước, chứ nói gì đến các thầy cô giáo trong trường! Em có cái nhìn thiên tài trong khi người chấm điểm có cái nhìn thiên vị; thế là thiên lệch mất. Không phải lỗi tại em, không phải lỗi tại người ta; em sinh ra là thế, người ta sinh ra là vậy. Nếu em vẫn muốn đổ lỗi cho một ai đó em cứ tạm thời đổ lỗi cho Cô gái lái xe bằng chân, cho nó vui!
 
Cơ hội ngầm - 2

 

Đôi khi vấn đề không phải tại người chấm điểm, họ chấm hết sức tốt và công bằng. Vấn đề tại số phận trêu đùa bạn. Tôi có một người bạn là vận động viên trượt tuyết. Bạn ấy tập cả đời để vào Olympic, và cuối cùng ước mơ thành thật. Nhưng ngay sau lễ khai mạc bạn ấy bị cúm, từ vận động viên có khả năng giành huy chương vàng bạn ấy chuyển thành vận động viên bị loại ở vòng đầu, tất cả vì ăn hambơgơ ngoài đường mà không rửa tay. 

 

Có khi em thi trượt đại học chỉ vì máy điện thoại bỗng hỏng, chuông báo thức không reo khiến cho em dậy muộn 30 phút.

 

Thậm chí em thi trượt nhiều điểm, các bài viết rõ ràng có vấn đề, cũng chẳng sao. Sự mong muốn vẫn là trên hết. Sự mong muốn cộng thời gian cộng kế hoạch tốt cộng tính kiên nhẫn bằng sự thành công - tạm thời bỏ “khả năng trong mắt người khác” ra khỏi phương trình . 

 

Em thi trượt đại học thì sao?

 

Em có ý định làm bác sĩ ư? Em có thể đi làm thêm (hay làm tình nguyện) ở bệnh viện lớn. Có nhiều bệnh nhân không có người đến thăm. Em có thể đọc sách cho họ nghe, tiếp cận với môi trường trong bệnh viện, làm quen với nhiều chú bác sĩ, cô y tá. Đêm về em nhớ ôn thi, hai năm sau khi đã vào Đại Học Y em sẽ biết thế nào là giáo viên “chém gió”, thế nào là chuyển kiến thức cần thiết.

 

Em có thể mở công ty nhỏ, mỗi tháng xếp hàng ở cơ quan thuế bắt chuyện các anh chị kế toán đứng sau. Em có thể đi làm nửa năm ở Ninomaxx rồi đi du lịch bụi ở Campuchia vài tháng, học tiếng Khmer và nghiên cứu Đạo Phật. Em có thể soát vé ở Nhà hát tuổi trẻ xem hết các vở kịch rồi sáng làm “đạo diễn thử nghiệm” cho một nhóm trẻ em mồ côi.

 

Em có thể làm rất nhiều thứ.

 

Quan trọng nhất là em lên kế hoạch cụ thể. Thi trượt mà không có kế hoạch cụ thể là mất hết giá trị của việc thi trượt. (Như tôi nói đó là giá trị lớn). Thi trượt không biết làm gì sau là nguy hiểm lắm. Thi trượt lên kế hoạch phong phú là thành lãnh đạo của ngày mai. 

 

Đương nhiên tôi vẫn muốn các em chuẩn bị tốt cho đợt thi đại học. Thi đỗ là cơ hội rõ ràng. Nhưng song song việc ôn thi, tôi khuyên các em lên Kế hoạch B chi tiết trong trường hợp thi trượt. Thi trượt là cơ hội ngầm.

 

Biết đâu các em học sinh thi đỗ nửa điểm mới là người bị đen!

 

Theo tôi, đi học suốt từ 4 đến 21 tuổi không tốt cho sức khỏe tâm thần. Nguy cơ thành “bộ phận của bộ máy” cao, 40 tuổi phát điên lên, phải thuê nhà đặc biệt ở huyện Trâu Quỳ gần nhà “Cô gái lái xe bằng chân”. (Các em thi đỗ nhớ lên kế hoạch “nghỉ” năm sau khi tốt nghiệp, đừng bao giờ nhận lời đi làm luôn công ty gần nhà!)

 

Lúc 17 tuổi tôi thi đỗ đại học. Nhưng rất may năm đầu tôi mất động cơ, thi trượt nhiều môn, điểm từ A xuống tận F. Tôi đã phải nghỉ. Vậy tôi đã lên kế hoạch. Tôi đã đi làm ở Anh nửa năm (lần đầu tiên xa nhà), rồi đi du lịch ở Châu Phi mấy tháng. Khi về Canada tôi học lại ở trường khác. Lần đó tốt nghiệp với điểm cao nhất lớp. Hóa ra tôi là sinh viên có động cơ.

 

Thời gian “lang thang”  năm ấy cho tôi cảm nhận mùi “quốc tế”. Tôi biết tương lai tôi sẽ ở đất nước khác. Chính vì thế tôi sang Việt Nam năm sau khi tốt nghiệp.

 

Nếu không thi trượt các môn lúc ấy không có blog của Joe bây giờ. Thay vì ngồi viết bài bằng tiếng Việt, tôi ngồi làm chuyện vớ vẩn ở văn phòng xấu xí, sắp phát điên, thấy cuộc đời không có món quà thú vị cho tôi bóc, muốn đổ lỗi cho người khác nhưng biết gì về “Cô gái lái xe bằng chân” nên đổ lỗi cho chính mình, lại càng phát điên hơn!

 

Joe