Có câu ca dao “làm nghèo đất nước”!
(Dân trí) - Một đất nước mà mỗi năm dành cả 3 tháng đầu năm để ăn chơi, cờ bạc, hội hè với hơn 8.000 lễ hội/năm trong đó không chỉ dân chúng mà không ít quan chức suốt ngày mê mê, mẩn mẩn, xì xụp khấn vái nhờ cậy thánh thần thi không nghèo mới lạ.
Sau vụ 7 cán bộ Kho bạc TP Nam Định rồi Giám đốc điện lực Bình Lục đi lễ trong giờ hành chính bị kỉ luật thì giờ đây, bốn giáo viên (gồm cả Hiệu trưởng, Hiệu phó) trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đang bị xem xét kỷ luật vì đi lễ đền Bà Chúa kho. Điều này, có vẻ báo hiệu sự lập lại kỉ cương đang được bắt đầu…
Nếu có cuộc bình chọn “câu ca dao làm nghèo đất nước”, người viết bài này xin đề xuất cho câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi – Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”. Bởi một năm có 12 tháng, một tháng dành cho việc “ăn chơi”, một tháng dành cho “cờ bạc” và một tháng “hội hè” tức là mất cả mùa xuân thì không đói, không nghèo mới lạ.
Đó là chưa kể trong những tháng còn lại với cơ man nào là lễ, là hội với đủ mọi lý do, hình thức, đặc biệt là gần đây, các loại lễ hội mọc lên hơn nấm sau mưa.
Theo một thống kê có lẽ chưa đầy đủ, hàng năm Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, tức là bình quân hơn 22 lễ hội/ngày.
Cũng chưa có con số về kinh phí tổ chức lễ hội. Song, giả sử mỗi lễ hội lớn nhỏ tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng chẳng hạn, mỗi ngày chúng ta mất khoảng hơn 2 tỉ cho việc hội hè, 800 tỉ đồng cho một năm.
Đã không làm việc (hội hè thì phải đi chơi thôi), lại tiêu pha như thế, không nghèo mới lạ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nhiều lễ hội đến thế? Câu trả lời dễ nhất, hay gặp nhất và cũng… giàu tính bao biện nhất, đó là “truyền thống văn hóa”.
Song, theo người viết bài này thì chưa đủ bởi một thực tế trước Đổi mới, chúng ta không có nhiều lễ hội như hiện nay và kinh phí chi cho lễ hội cũng không nhiều như hiện nay.
Vì vậy, ngoài cái gọi là “truyền thống văn hóa”, có lẽ còn có mấy lý do sau.
Lý do thứ nhất, “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Từ sau Đổi mới, kinh tế đất nước khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao đáng kế so với trước đây nên “sinh lễ nghĩa”. Điều này tất yếu và nhìn ở khía cạnh nào đó, là tín hiệu đáng mừng.
Lý do thứ hai, đã xuất hiện một sự cuồng tín với niềm tin mù quáng, tính thụ động cộng với tâm lý số đông khá đặc trưng và thứ ba, không ít cá nhân và cả địa phương lợi dụng để… phát triển kinh tế.
Sau nữa, không thể không kể đến sự quản lý vừa lỏng lẻo, vừa ngẫu hứng của ngành văn hóa nhiều năm qua. Khi thì khắt khe cấm đoán, lúc lại mở toang cánh cửa.
Tóm lại, một đất nước mà mỗi năm dành cả 3 tháng đầu năm để ăn chơi, cờ bạc, hội hè với hơn 8.000 lễ hội/năm trong đó không chỉ dân chúng mà không ít quan chức suốt ngày mê mê, mẩn mẩn, xì xụp khấn vái nhờ cậy thánh thần thi không nghèo mới lạ.
Đất nước còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thậm chí, có gia đình thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo nhưng người lớn suốt ngày hội hè, chè chén, lễ bái u mê nên cái khổ, cái nghèo càng đeo đẳng.
Nếu vẫn coi mùa xuân là để “ăn chơi”, “cờ bạc”, “hội hè”… thì đất nước bao giờ phát triển, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám