Chuyện “cái gì cũng thấy giả”, “con voi tiêu cực” lọt “lỗ kim cơ chế”!

(Dân trí) - Điều cần ở anh – chị là khả năng giải quyết công việc cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Một khi còn xếp lương, sắp ghế theo bằng cấp thì những “con voi tiêu cực” vẫn có thể ung dung dương vòi bước qua “lỗ kim cơ chế”, phải không các bạn?

Chuyện “cái gì cũng thấy giả”, “con voi tiêu cực” lọt “lỗ kim cơ chế”! - 1

Những sai phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi Phổ thông Trung học vừa qua đang đặt ra một câu hỏi rất cấp bách. Đó là làm cách nào ngăn chặn mọi kẽ hở để những “con voi tiêu cực” không thể lọt qua “lỗ kim cơ chế” như vừa qua.

Đã có nhiều giải pháp từ dư luận, các nhà giáo dục nhưng xem ra, mọi thứ vẫn còn mờ mờ, ảo ảo trong vòng luẩn quẩn, “tít mù nó lại vòng quanh” như nhận xét của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM:

“Thi cử vào giáo dục đại học ở ta đã thử đủ kiểu hết rồi. Từ việc thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD-ĐT, rồi sau đó giao về các trường đại học, chuyển về 3 chung rồi giờ là thi 2 trong 1. Nó là một vòng luẩn quẩn…”.

Nhớ lại thời kỳ giao cho các trường tuyển sinh, tỉ lệ thí sinh các thành phố, nhất là thành phố lớn thường cao chót vót. Trong khi đó, tỉ lệ này đối với các thí sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường rất thấp, nhiều khi đến… thảm hại.

Vì sao có hiện tượng này? Có thể có nhiều nguyên nhân như điều kiện học tập và tiếp nhận thông tin, thầy cô và cơ sở vật chất các trung tâm giáo dục… trong đó không loại trừ có những tiêu cực không khó nhận thấy.

Ví như tỉ lệ đỗ của con em cán bộ, giáo viên trong nhà trường gần như là “mặc định” và không loại trừ cả cháu chắt, họ hàng rồi con của bạn của bạn. Rồi những áp lực lên đời sống xã hội trong mỗi mùa thi…

Có lẽ, nhận thấy điều này nên Bộ GD&ĐT khi đó đã đưa ra phương pháp 3 chung rồi giờ đây là 2 trong 1.

Nhìn lại những số liệu cho thấy, từ khi áp dụng phương pháp 3 chung, tỉ lệ đỗ đạt ở nông thôn được tăng lên rõ rệt, điều này phần nào đem lại sự công bằng tương đối cho các cuộc thi.

Song, có vẻ như với tinh thần “thừa thắng xông lên”, tại các kỳ thi 2 trong 1, tỉ lệ đỗ TOP trên ở nông thôn có xu hướng vượt xa thành phố mà cụ thể là các tỉnh như Hà Giang, Sơn La…vừa qua, tỉ lệ đỗ với điểm số cao vượt xa các trung tâm lớn như Hà Nội hay TP HCM nhiều bậc!

Thật ra thì bất cứ phương pháp nào cũng có cái hay, cái dở và nếu như ở môi trường trong sạch, cái hay sẽ được phát huy hết cỡ, cái dở sẽ bị hạn chế tối đa.

Thế nhưng với môi trường hiện nay, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: “Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội… Vấn đề này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với chế độ, gây mất trật tự khi cái gì cũng thấy giả” thì quả thật là khó, rất khó.

Theo người viết bài này, với tình hình cấp bách hiện nay, cần phải có những thay đổi mang tính căn bản, ví như không khống chế đầu vào (tuyển sinh) mà khống chế đầu ra (tốt nghiệp) chẳng hạn?

Song, quan trọng hơn cả vẫn là “thang biểu” đánh giá mỗi cá nhân trong tổng thể xã hội. Đó là không nên đánh giá mỗi cá nhân chỉ qua bằng cấp mà phải là thực việc. Không cần biết anh - chị là ai, bằng cấp gì, con cháu ai… Điều cần ở anh – chị là khả năng giải quyết công việc cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Một khi còn xếp lương, sắp ghế theo bằng cấp thì những “con voi tiêu cực” vẫn có thể ung dung dương vòi bước qua “lỗ kim cơ chế”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám