Chuyện bóng đá và không chỉ bóng đá…

(Dân trí) - Chúng ta đã không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích và phải dừng bước trước một đối thủ rất mạnh là Hàn Quốc. Song, khi người viết đang thực hiện bài viết này thì khắp nơi cờ quạt vẫn giăng đầy để cổ vũ đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam. Và vẫn còn một hi vọng, đó là trận tranh Huy chương Đồng sắp tới.

Chuyện bóng đá và không chỉ bóng đá… - 1

Trong thể thao, đặc biệt là trước những trận cầu có sự tham gia của đội tuyển quốc gia, mới thấy tinh thần dân tộc lan toả mạnh mẽ nhường nào! Bất kể ngoài đường hay bên cạnh những chiếc vô tuyến, ở đâu cũng vang lên những tiêng hô sấm dậy “Việt Nam vô địch! Việt Nam chiến thắng!”.

Trong một đoạn clip mà VFF ghi lại gần đây, HLV Park Hang Seo đã yêu cầu các cầu thủ tập hợp thành vòng tròn, ở đứng giữa nói dõng dạc: “Chúng ta là người Việt Nam. Các bạn đã rõ chưa?”.

Đây được cho là “liều doping tinh thần” cực kỳ hiệu quả của người thầy Hàn Quốc dành cho các cầu thủ, khơi dậy tinh thần dân tộc mãnh liệt trong họ để từ đó, đội tuyển chúng ta chiến đấu kiên cường tới những phút cuối và giành chiến thắng trước Olympic Syria trong hiệp phụ.

Tiến vào trận bán kết với Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam đã bước một bước dài mang tính lịch sử khi vươn ra tầm châu lục. Do đó, dù với kết quả không được như mong muốn, các cầu thủ của chúng ta cũng rất đáng được trân trọng và vinh danh. Họ đã khiến trái tim hàng triệu con người trên đất nước này chung một nhịp đập, một niềm tự hào, một tình yêu.

Quan trọng hơn, từ sân bóng, có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút ra. Đó là bài học về tinh thần chiến đấu quả cảm “thắng không kiêu, bại không nản”, bài học về tính kỷ luật và tinh thần đồng đội… mà không ít người trong chúng ta vẫn còn thiếu.

“Chẳng ai thành công một mình cả, không ai dắt bóng từ cuối sân sang đến sân kia và ghi bàn một mình. Ai chơi bóng một mình, không có tinh thần đồng đội, chơi chỉ vì cá nhân mình thì sẽ bị đào thải sớm nhất. Hãy hiểu rằng đừng vì sai lầm của mình mà bắt đồng đội phải gánh chịu”, anh Lê Huy Khoa, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo đã đúc kết “triết lý” về bóng đá từ Olympic Việt Nam như vậy.

Thực tế, đó cũng là yêu cầu của mọi tổ chức, mọi cơ quan, mọi doanh nghiệp… chứ không chỉ là yêu cầu của một đội bóng. Bởi đã tồn tại trong một guồng máy thì phải vận hành theo những quy định, quy trình nhất định, chứ không thể biện minh về những lý do chủ quan hay khách quan nào đó.

Về mặt tổ chức tầm vĩ mô, pháp luật là tối thượng. Khó mà chấp nhận những sai phạm đầy vị kỷ của những cá nhân nào đó mà người chịu thiệt hại lại là Nhà nước và Nhân dân. Thế nhưng tiếc thay, “đổ lỗi” lại là “sở trường” của một số cán bộ và quan chức ở ta.

Không phủ nhận những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ qua. Chúng ta đã bước vào ngưỡng cửa của các quốc gia có thu nhập trung bình, đời sống người dân được cải thiện. Song nếu nhìn vào Hàn Quốc, một quốc gia mà nền kinh tế của họ vào những năm 1960 vẫn còn rất lạc hậu thì nay họ đã trở thành một cường quốc công nghệ, từ đó mới thấy, chúng ta vẫn còn phải nỗ lực rất lớn, nhất là khi chúng ta không thua kém họ cả về tài nguyên lẫn con người.

Khi mà vẫn còn những doanh nghiệp vì lợi ích của bản thân, khi mà những quan chức, lãnh đạo địa phương chỉ nhìn thấy được lợi ích cục bộ, khi vẫn còn tình trạng quy hoạch bị phá vỡ, “băm nát” vì những cái bắt tay thông đồng, khi tham nhũng “dĩ công vi tư” vẫn hoành hành, khi lợi ích chung của quốc gia bị gạt sang một bên… thì rất khó để đất nước tiến những bước dài.

Nếu như, không chỉ riêng bóng đá mà trong cuộc sống ai cũng hành động và cống hiến vì lợi ích chung, thì tin rằng, chẳng có lý do gì để hoài nghi về thắng lợi của chúng ta trên mọi mặt trận, bao gồm cả kinh tế!

Bích Diệp