Chứng khoán không phải là cờ bạc
(Dân trí) - Thị trường chứng khoán đang trở lại thời hoàng kim. Có lẽ, phải gần 15 năm qua kể từ giai đoạn 2006-2007 chúng ta mới lại thấy không khí người người đầu tư, nhà nhà nói về chứng khoán như vậy.
Mỗi một phiên giao dịch, dòng tiền đổ vào thị trường lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, có phiên vượt 37.000 tỷ đồng - những con số mà chỉ cách đây 1 năm thôi, không ai nghĩ đến. Cứ mỗi ngày trôi qua, đỉnh mới lại được thiết lập, kỷ lục mới về thanh khoản lại được thay thế.
Sức "nóng" của thị trường khiến những nhà đầu tư lâu năm cũng có lúc nghi ngờ và không chịu nổi "nhiệt". Một số người bán ra cổ phiếu, cầm tiền mặt phòng thủ, chờ đợi một cú rơi lịch sử. Rốt cuộc điều đó đã không xảy ra, chính xác là chưa xảy ra.
Trong tháng 5 - người phương Tây có câu ngạn ngữ "sell in May and go away" (bán cổ phiếu vào tháng 5 và rời khỏi thị trường). Song, thị trường đã diễn biến một cách tích cực đến không ngờ, hoàn toàn vượt ngoài dự liệu của giới chuyên gia.
Tiền vào thị trường nhiều đến nỗi mà tình trạng quá tải tái diễn trên HSX, hệ thống không tải nổi lệnh. Hay nói cách khác là cả những lãnh đạo trong Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM có thể cũng chưa tính đến được có một ngày chứng khoán trở nên hấp dẫn như bây giờ.
Với hơn 113.000 tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước được mở mới, cao nhất từ trước đến nay, tổng số lượng tài khoản được lên con số 3,2 triệu. Tất nhiên điều này không có nghĩa là có 3,2 triệu dân Việt Nam đang đầu tư chứng khoán, song cũng phần nào cho thấy, kênh đầu tư này đang ngày một trở nên phổ biến hơn bao giờ khác.
Khác với trước đây, những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0) lần này phần đông là những trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực, họ có hiểu biết về kinh tế, tài chính. Cho nên, đâu đó có những người tham gia vào thị trường chứng khoán với tâm lý "đánh quả", "đỏ-đen" có lẽ cần suy nghĩ lại.
Chứng khoán là một kênh đầu tư nghiêm túc và so với bất động sản, chứng khoán mang lại lợi ích lớn hơn nhiều với nền kinh tế. Đó là kênh cung ứng vốn hiệu quả với doanh nghiệp, thanh khoản cao và giảm áp lực cho hệ thống tín dụng ngân hàng; đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, việc doanh nghiệp lên sàn cũng tăng tính minh bạch trong môi trường kinh doanh.
Như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đánh giá, tuy rằng thị trường chứng khoán ở ta vừa qua bùng nổ, phát triển mạnh mẽ song so với thế giới thì vẫn còn rất mới mẻ.
Mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường mà Chính phủ đặt ra là 5% người dân đầu tư chứng khoán. Với 3 triệu tài khoản cá nhân như hiện nay so với hơn 90 triệu dân, vẫn là khiêm tốn.
"Bộ Tài chính là bộ ban hành chính sách, chính sách ban hành làm cho tài chính nhà nước giàu mạnh lên, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư mạnh lên. Cho nên, khi ban hành chính sách phải thúc đẩy, khơi dậy nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển, giải quyết các vướng mắc, vượt mọi rào cản" - ông Phớc nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ lĩnh vực xổ số kiến thiết và trò chơi có thưởng, tránh phát sinh tệ nạn xã hội.
Đó là tư duy, tầm nhìn rất đúng đắn của lãnh đạo Bộ Tài chính. Rõ ràng, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chúng rất lớn, thay vì để dòng tiền đổ vào những kênh bất hợp pháp, thiếu minh bạch, rủi ro cao thì hãy tạo ra một môi trường lành mạnh, mang lợi ích cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Song, điều tiên quyết vẫn là phải có được nền tảng công nghệ tốt, hành lang pháp lý cho chứng khoán phát triển, có cơ chế giám sát để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó, không những thu hút được người tham gia mà còn giữ chân họ ở lại với thị trường.