Chùm thơ của hai người lính chiến trường Quảng Trị

(Dân trí) - Cùng nhập ngũ trong phong trào “Xếp bút nghiên lên đường cứu nước”, họ đều là người lính trên chiến trường Quảng Trị. Giờ đây, người đã mãi mãi nằm lại chiến trường và người còn lại trái tim vẫn đập cùng đồng đội… Nhân 27/7, BLOG Người yêu thơ xin trân trọng giới thiệu.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 
 
Hành quân đêm trăng

 

Năm tháng trôi qua

Anh lại hành quân vào một đêm trăng

Trăng đầu tháng, rất mảnh và rất đỏ

Cánh buồm cong cong uốn mình theo gió.

Trong hơi mưa mát lạnh, nhớ em...

 

Nhớ lúc bên nhau phố Hà Nội về đêm

Ấnh  trăng đầm đìa trên lá cỏ

Không suy tưởng giờ đây thực sự đó

Đoàn quân thật trẻ sừng sững trên đê.

 

Không cười, không nói, cắm cúi bước đi

Trên vai là khẩu súng, trên lưng bao lô nặng trĩu

Thoảng bên tai gió đồng quê mát dịu

Dưới chân là sông Hồng, cánh đồng làng mới cấy lúa non tươi

Chỉ có tâm hồn là mơ với trăng, với hơi nước, hơi trời…

Là rộng mở với ngọn gió phóng khoáng

Chẳng nghĩ gì, chỉ nhớ, nhớ quá đi thôi

Nhớ em yêu dấu của anh, đêm hành quân và suốt cả cuộc đời…

 

Mỗi bước chân đi là một nhịp tim thôi thúc

Có phải dưới gốc đa này em đang ngồi thao thức

Ánh nước ngời ngợi kia

  ánh mắt trong sáng tuyệt đẹp của em đấy ư?

Gật đầu đi, để anh lội ào xuống

lặn ngụp trong vòng ánh sáng

Để anh vục một vốc nước mà uống say sưa?...

 

                                                                                    14/10/1971

                                             Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc

 

Có tuổi hai mươi thành sóng nước…

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

 
                                               Nhà báo Lê Bá Dương 

 

BLOG Người yêu thơ: Bài thơ còn có một dị bản với 2 chữ khác nhau. Đó là chữ lên và chữ xuôi trong câu “Đò xuôi (lên) Thạch Hãn xin chèo nhẹ”, chữ bãi và chữ mãi  trong “Vỗ yên bờ bãi (mãi) mãi ngàn năm”. Sau khi cân nhắc chúng tôi thấy chữ “xuôi” đắt hơn. Lý do là ngay cả khi thuyền xuôi con nước, mái chèo đã buông rất nhẹ rồi nhưng tác giả vẫn mong nó nhẹ hơn nữa bởi “Dưới sông còn đó bạn tôi nằm”. Chữ “bãi” đắt hơn vì vừa giữ được vần lưng (bãi - mãi), vừa không bị trùng ý: “mãi mãi” & “ngàn năm”.

Chỉ có 4 câu với 28 chữ nhưng tác phẩm đã trở thành khúc tráng ca bất tử về sự hi sinh và tình đồng đội.

 

 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

 

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyện chọn và giới thiệu.