Chủ tịch Quốc hội “rất bức xúc”, dân thì “buồn lắm”!

(Dân trí) - “Làm việc với các Ủy ban lâu nay tôi rất bức xúc vì đơn thư của dân nhiều khi còn quên đưa, rồi thư có trả lại hay không cũng chẳng ai biết. Như thế thì dân buồn lắm!”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp) Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, HĐND… tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngày 23/4 vừa qua. Nếu chỉ tính tất cả đơn, thư gửi về các cơ quan chức năng những năm gần đây thôi không thể tính bằng trang, bằng tạ mà có lẽ là hàng tấn giấy.

 

Thế nhưng hình như số đơn thư được xử lý, giải quyết lại chẳng đáng là bao. Đơn thư tháng này chồng lên đơn thư tháng trước, năm nay chồng lên năm ngoái…

Không biết đã có bao nhiêu đơn thư tố cáo của người dân gửi đi rơi vào sự biệt vô tăm tích. Thậm chí còn không nhận được dù chỉ là dòng hồi âm tối thiểu: “Chúng tôi đã nhận được…”?

Không biết đã có bao nhiêu lá đơn gửi đi tố cáo lại quay về với chính người bị tố cáo để rồi người tố cáo nơm nớp sống trong tâm trạng sợ bị trả thù của người có quyền, có chức?

Ngay tại Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đơn thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền…

Trong khi đó, các đơn vị của Quốc hội tiếp nhận, xử lý đơn, thư nhằm mục đích phục vụ công tác chủ yếu là thẩm tra và giám sát, kiến nghị theo lĩnh vực.

Còn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho biết, nhiều trường hợp chỉ chuyển đơn thư của người dân từ tầng 1 lên tầng 2 mà cũng mất... vài tháng!

Vì vậy dân không chỉ buồn mà rất buồn và cũng không chỉ rất buồn mà chán, rất chán như lời của Chủ tịch tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng cũng tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/9 năm ngoái: “Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì…”

 

Gần đây, đã xuất hiện “hội chứng chây ì” không nghe, không thấy. Những câu như “chưa được báo cáo”, “chưa biết thông tin”, “chưa thấy phản ánh”… đã trở thành cửa miệng của không ít quan chức.

Thậm chí, có những sự việc họ biết đấy và không làm đấy như một sự thách thức mà một trong những điển hình là vụ 194 Phố Huế. Đã có nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có ý kiến chỉ đạo nhưng nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ...

Do đó, khi Chủ tịch Quốc hội bức xúc, “kêu trời” thì người dân buồn và chán lắm.

Với một nền hành chính thế này, không biết đến bao giờ chúng ta mới “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Có lẽ lâu, rất lâu nữa và có thể là không bao giờ nếu như không có một cuộc “cách mạng” cải cách hành chính, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!