Chống tiêu cực, cần có quy định cụ thể, thiết chế rõ ràng!

(Dân trí) - Việc kêu gọi nêu gương và tự giác là điều cần thiết song nếu chỉ “xây dựng chay” thì rất khó, mà phải có quy định cụ thể, thiết chế rõ ràng.

m_cong-tac-can-bo.jpg

 

 

Trong 5 năm gần đây, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Những con số đáng lo ngại này được đưa ra tại một buổi giao lưu trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 20/3, nhưng liệu đó có phải là tất cả?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận phiên họp ngày 21/3 của Bộ Chính trị nêu nhận xét, “thực tế vẫn còn hiện tượng nể nang, anh nào vướng vào khuyết điểm rồi thì không muốn làm, không quyết tâm làm, thậm chí né tránh, bệnh thành tích, sợ trách nhiệm, sợ khuyết điểm, đổ cho người khác. Một điểm chung là con người thường thấy mình tốt hơn, giỏi hơn, nhưng thiệt thòi hơn, nên có cái gì đụng đến là giẫy nảy lên”.

Chính vì vậy, ông nhấn mạnh “xây dựng Đảng trước hết là xây dựng con người”. Vấn đề là làm thế nào để có được những con người tốt và loại bỏ được những người không đủ tiêu chuẩn?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương gần đây có đưa ra đóng góp đáng chú ý rằng, nên phát động xây dựng văn hóa từ chức, nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.

“Văn hoá từ chức” là điều đã được đề cập nhiều lần và bản thân BLOG Dân trí cũng đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế một bộ phận đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyến hoá” trong thời gian qua, thấy rằng, nếu chỉ trông chờ vào tinh thần “tự soi”, thái độ “tự giác” và ý thức “từ chức” của cán bộ đảng viên thì khó có thể loại bỏ được tham nhũng, tiêu cực.

Không phải ngẫu nhiên lại có những “chuyến tàu vét” xảy lúc “gà lên chuồng” khi đâu đó vẫn nặng tư duy nhiệm kỳ, vẫn còn quan niệm của một bộ phận cán bộ coi chức vụ và quyền lực là công cụ, là cơ hội để vun vén lợi ích riêng chứ không phải là “nhiệm vụ” phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Thậm chí, ông Nguyễn Phú Trọng còn cảnh báo, “chuẩn bị Đại hội đến nơi rồi, lại vận động anh ủng hộ em”. Cho nên, “cũng phải dè chừng, cảnh báo những tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu”. Việc để những “con lươn”, “con chạch” luồn lách vào được những vị trí quan trọng sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng mà còn gây thiệt hại nặng nề cho đất nước, khó đong đếm, khó bù đắp.

Đây cũng là lý do “đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ” như Tổng Bí thư khẳng định. Ông Trọng cũng thấy được mối băn khoăn trong lòng dân rằng “người ta đang lo sắp tới có tiếp tục duy trì đà này không? Lò có nguội hay vẫn nóng đều?”. Và quả thực, phải bằng những biểu hiện, những kết quả bền bỉ trên thực tế thì người dân mới thực sự an lòng.

Ai cũng dễ dàng nhận thấy việc kêu gọi nêu gương và tự giác là điều cần thiết song nếu chỉ “xây dựng chay” thì rất khó, mà phải có quy định cụ thể, thiết chế rõ ràng.

Ngay đầu năm nay, Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng đã được ban hành.

Nhưng thiết nghĩ điều quan trọng nhất, đảng viên dù ở vị trí, chức vụ nào trước hết cũng cần là những người đi đầu chấp hành tốt nhất quy định của luật pháp, như mọi công dân, tuyệt đối không có “luật cho dân và lệ cho quan”.

 

Bích Diệp