Chống tham nhũng, điều dễ nói, khó làm!
(Dân trí) - Từ khoá "tham nhũng" trong nhiều năm qua, luôn là từ hot. Dường như báo chí, độc giả của báo chí ngày nào cũng nhắc đến tham nhũng: Là quốc nạn, là giặc "nội xâm"... Báo cáo chính thức của Nhà nước cũng chưa bao giờ nói tham nhũng giảm mà thường hay có câu: "Vẫn diễn biến phức tạp".
Có cán bộ ở cơ quan phòng, chống tham nhũng vui tính hơn thì nói "tình hình tham nhũng vẫn ổn định"... Tham nhũng vì thế, là câu chuyện: Dễ nói, khó làm.
Còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm, một số tờ báo viết về một vụ ăn chặn tiền xoá đói giảm nghèo ở Lùng Vai-một xã nhỏ của tỉnh Hà Giang. Số tiền tham nhũng là khoảng 70 triệu đồng, chiếm gần nửa số tiền dự án nhưng dư luận cả nước khi đó đã sục sôi. Hàng trăm thư từ, kiến nghị gửi đến cơ quan báo chí đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc và những người liên quan đến việc ăn chặn của dân khi đó bị cách chức.
Nhưng từ đó đến nay, tham nhũng thực sự đã có một "chặng đường phát triển" quá mạnh. Đâu đó, vẫn còn không ít vụ tham nhũng kiểu "Lùng Vai": Các vụ gà, vịt, lợn, dê... xoá đói giảm nghèo "chạy" vào nhà quan như báo chí nêu vừa qua ở Tuyên Quang, Quảng Nam... Vẫn có nhiều vụ "ăn chặn", đòi hối lộ vài triệu đồng, vài chục triệu đồng ở nơi cán bộ, công chức giao dịch, làm việc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Nhưng đã có ngày càng nhiều hơn những vụ tham nhũng lớn, gấp rất, rất nhiều lần vụ tham nhũng ở Lùng Vai, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng... qui mô, thủ đoạn tham nhũng tinh vi đến độ 10-15 năm trước, người ta khó có thể hình dung.
Đó là vụ Giang Kim Đạt, nguyên là Trưởng phòng một Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã chiếm được 16 triệu USD (trên 375 tỷ đồng), bằng chiêu trò "gửi giá" qua việc mua sắm tàu biển. Đó là Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin (nay vẫn đang chấp hành án phạt tù) cùng với cả một nhóm cán bộ Tập đoàn tham nhũng, gây tổn hại cho nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng, nay vẫn chưa thu hồi hết. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch của Viettinbank, Chi nhánh TP HCM là "kỷ lục" tham nhũng mới với số tiền chiếm đoạt của các cá nhân, tổ chức trên 4000 tỷ đồng...
Phát biểu tại phiên họp thẩm định dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) cuối tuần trước, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao đã phải thốt lên: “Ngày xưa chỉ có mấy trăm tỷ như Lã Thị Kim Oanh, bây giờ toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Trong khi đó, công cụ pháp lý chống tham nhũng không đầy đủ. Phải nói chính xác là không thiếu nhưng chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng”.
Trung tướng Trần Văn Độ nói hoàn toàn đúng. Công cụ pháp lý dù chưa đủ nhưng không thiếu. Luật PCTN và các luật, nghị định về PCTN đã liên tục được bổ sung, sửa đổi trong những năm qua để cập nhật, đối phó với những hành vi tham nhũng đang ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Vấn đề chủ yếu là quyết tâm chính trị để xử lý các hành vi tham nhũng đã đủ mạnh để xử lý những người có chức vụ, quyền hạn cao trong bộ máy?
Sự phức tạp của công cuộc PCTN là có thể hiểu, bởi đã từ lâu xuất hiện những dấu hiệu tham nhũng mang tính cấu kết, có tổ chức, phe nhóm. Những vụ luân chuyển, sắp xếp cán bộ ở Bộ Công Thương cho người thân quen, "cánh hẩu" của mình mà nhiều sự chỉ trích đang dồn về cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thực sự có dấu hiệu tham nhũng không sẽ còn phải do các cơ quan chức năng của Đảng, cơ quan PCTN của Nhà nước làm rõ để xử lý theo yêu cầu của Tổng bí thư.
Nhưng thực sự, người ta còn lo ngại hơn, khi có những việc "lợi dụng quy trình" còn phức tạp hơn nhiều. Ví dụ như bổ nhiệm, luân chuyển theo kiểu thỏa thuận "đổi chéo": Tôi gửi con tôi sang doanh nghiệp, cơ quan anh, anh gửi con, cháu... của anh sang tôi (2 ngành khác nhau). Và con cái, "cánh hẩu" của họ vẫn nắm giữ những vị trí "béo bở" nhất mà không bị mang tiếng bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em… trong ngành. Vậy thì trong trường hợp này, pháp luật đã có qui định gì để ngăn chặn?
Pháp luật về PCTN còn nhiều thiếu sót nữa, ví dụ như về cơ chế kê khai, công khai tài sản cán bộ, công chức còn "mang nặng tính hình thức" như chính Thanh tra Chính phủ đã thừa nhận. Nhưng cái thiếu vắng lớn nhất ở trong hệ thống pháp luật PCTN hiện nay, theo ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là vấn đề xử lý người đứng đầu. Ở hầu hết các vụ tham nhũng hay có dấu hiệu tham nhũng, khi chưa đụng được tới "người đứng đầu" thì không thể xử lý được các vụ việc tiêu cực trong ngành đó đến đầu, đến đũa. Chính vì điều này, ông Đường nói, "Tôi chưa thấy có cơ chế gì để kiểm soát người đứng đầu bộ máy nhà nước. Cứ như thế này thì (tham nhũng) vẫn còn tiếp tục thôi”.
Không phải là hiện nay chưa có qui định về trách nhiệm "người đứng đầu" nhưng vấn đề là "xử" người đứng đầu như thế nào, nhất là những "người đứng đầu" có vị trí, chức vụ cao trong bộ máy, quyết tâm xử lý người đó ra sao... vẫn là điều nhân dân trông đợi ở lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, để tiếp tục đặt tiềm tin của cuộc chiến chống loại giặc "nội xâm" này.
Mạnh Quân