Chống “con ông, cháu cha” nhưng cũng cần ngăn chặn “chủ nghĩa lý lịch mới”

(Dân trí) - Chống “con ông, cháu cha” nhưng cũng cần ngăn chặn “chủ nghĩa lý lịch mới” bởi việc đó không chỉ bất công với số phận một con người mà còn lãng phí tài năng đất nước…

m_tuyen-dung-cong-bang.jpg

 

Chuyện “con ông cháu cha”, “con cháu các cụ”, “tứ ệ” ở ta không lạ. Thậm chí gần đây, nó còn là nguy cơ của nhóm lợi ích, “đồng chí ấy con đồng chí nào”…

Đã có những người không đủ đạo đức, không đủ năng lực, không đủ những tiêu chuẩn bắt buộc như qui định… được bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau.

Hậu quả, họ không chỉ góp phần to lớn trong sự nghiệp… cản trở phát triển đất nước bởi tha hóa và kém cỏi mà còn đem lại sự phẫn nộ của những thân phận “quét lá đa” nhưng có đủ tâm, tài bởi họ bị đám này cướp mất vị trí và thậm chí, cả “cưỡi lên đầu, lên cổ”.

Song ngược lại, cũng đã xuất hiện điều mà người viết bài này đã cảnh báo từ 4 năm trước trong bài: Công bằng với tài năng và nghĩ về “chủ nghĩa lý lịch mới?”! đăng trên BLOG Dân trí ngày 12.10.2015 (Xem trong bài liên quan).

Ngày đó, tôi đã viết: “Phải chăng đang tái diễn một “chủ nghĩa lý lịch mới” trong khi “chủ nghĩa lý lịch” đã hãm hại biết bao nhiêu tài năng của đất nước qua nhiều thời kỳ.

Nhiều và rất nhiều những tài năng đã bị bỏ phí, thậm chí bị hủy hoại bởi thành phần xuất thân thời Cải cách ruộng đất hay là con em những người tham gia chế độ Việt Nam cộng hòa.

Đã có nhiều và rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ “chủ nghĩa lý lịch” bởi ai làm người đó chịu.

Thế nhưng, có thể sẽ xuất hiện một “chủ nghĩa lý lịch mới” nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên suy nghĩ về lớp người “con ông cháu cha” mà cụ thể là con cái các vị lãnh đạo như dư luận hiện nay.

Tại sao họ lại phải chịu sự đối xử bất công như thế nếu như họ thực tài và có tâm?

Con ông cháu cha thì đã sao? “Cha truyền, con nối” đã sao nếu như họ thật sự xứng đáng?”. Bài báo trên viết.

Nhìn ra một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, có không ít gia đình “cha truyền, con nối” và họ đã làm rất tốt việc này như Tổng thống Mỹ Bush Cha, Bush Con chẳng hạn.

Tại Singapore, ông bố là Thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu và người con cũng là một Thủ tướng xuất sắc Lý Hiển Long…

Ở Việt Nam ngay tại thời điểm này, có nhiều quan chức cao cấp là “con nhà” và họ đang làm rất tốt công việc của mình.

“Nói như thế không có nghĩa là người viết bài này “bao biện” và không căm ghét tư tưởng “con ông cháu cha”. Song, gia đình từng là nạn nhân nên tôi căm ghét “chủ nghĩa lý lịch” không kém.

Nhân tài thời nào chẳng “như lá mùa thu”, nếu để thui chột dù chỉ một nhân tài cũng không chỉ có tội với cá nhân họ mà còn có tội với đất nước.

Hãy đánh giá chính anh (chị) ta là ai? Có đủ phẩm chất để đảm nhiệm công việc đó hay không? Hãy quên đi việc bố mẹ họ là con địa chủ, tư sản, Việt Nam cộng hòa hay con ông này, bà nọ hiện nay.

Công bằng, minh bạch với tài năng chứ không phải chuyển từ “chủ nghĩa lý lịch” này sang một kiểu “chủ nghĩa lý lịch” khác”. Vẫn bài báo trên.

Do đó, vấn đề ở đây là xây dựng một cơ chế tuyển chọn công bằng, minh bạch, không để những kẻ bất tài, kém đức nhờ “hậu duệ” len lỏi nhưng cũng không để tái diễn “chủ nghĩa lý lịch mới” như lời bình luận của bạn Trương Thắng cho bài “Bộ TN-MT trả lời việc bổ nhiệm em trai Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm Tổng cục trưởng” mới đây đăng trên Dân trí:

“Cứ đủ năng lực và đúng quy trình thì dù là ai cũng đều có thể bổ nhiệm, bất kể con cháu hay không con cháu ông to bà lớn. Miễn là thật sự năng lực!”.

Được biết, ông Trần Hồng Thái là nhà khoa học trẻ (SN 1974), con nhà nòi thuộc lĩnh vực này (ông cụ thân sinh ông Hà, ông Thái là GS, Nhà giáo Nhân dân, nhiều năm là Hiệu trưởng ĐH Mỏ).

Ông Thái tốt nghiệp đại học tại Nga, bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học trái đất và Toán học tại Đại học Tổng hợp Heidelberg (Liên bang Đức) và từng kinh qua nhiều vị trí trong ngành khí tượng thủy văn và môi trường:

Năm 2011 ông Thái được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 2014, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia (nay là Tổng cục Khí tượng Thủy văn) và tháng 4/2018, ông Thái được phân công phụ trách Tổng cục này.

Cũng được biết, việc bổ nhiệm được thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Nhân sự được bổ nhiệm do tập thể lãnh đạo, hội nghị cán bộ viên chức của đơn vị lựa chọn qua hình thức bỏ phiếu kín đồng thời đã xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trong comment gửi về Dân trí, bạn đọc tên Vinh cho biết “Nếu không phải là em trai của Bộ trưởng, tôi nghĩ con người và tâm huyết với ngành của ông, ông Thái đã đảm nhận vị trí này từ lâu rồi!”.

Chống “con ông, cháu cha” nhưng cũng cần ngăn chặn “chủ nghĩa lý lịch mới” bởi việc đó không chỉ bất công với số phận một con người mà còn lãng phí tài năng đất nước…



Bùi Hoàng Tám