Chờ chồng hóa… bê tông cốt sắt!

(Dân trí) - Trong truyện cổ tích, nàng Tô Thị thủy chung vì chờ chồng mà hóa đá. Bây giờ thay bằng tượng bê tông, chả lẽ phải sửa truyện cổ thành nàng Tô Thị chờ chồng hóa… bê tông cốt sắt à? Theo bạn có nên sửa lại… truyện cổ tích cho phù hợp?

Chờ chồng hóa… bê tông cốt sắt!

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Bạn tôi chỉ khi nào có chuyện buồn, rất buồn mới uống rượu. Hôm nay, đến chơi nhà thấy trước mặt hắn có một chén rượu uống dở dang, lo quá, hỏi. Hắn bảo: Mình có lẽ phải bỏ nghề dạy học. Tôi ngạc nhiên:

- Ấy chết, ít người dạy giỏi được như ông, phụ huynh học sinh ai cũng quý tài, gửi con mình cho ông dạy. Hà cớ gì định bỏ nghề?

- Giỏi cái nỗi gì. Học sinh hôm nay nhao nhao cãi lại tôi, chê tôi dạy sai, làm tôi xấu hổ đến nỗi không còn dám lên đứng trên bục giảng nữa đây này.

- Khiếp! Sao lại có thể xẩy ra chuyện đó được?

- Chả là hôm nay, tôi giảng về sự ra đời của xi măng rồi liên hệ đến nhà máy xi măng đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1899 tại Hải Phòng, học sinh của tôi ồ lên, bảo thầy dạy sai. Tôi hỏi sai ở chỗ nảo? Chúng bảo chính người Việt Nam sáng chế ra xi măng từ lâu lắm rồi.

- Nghe học sinh của ông nói mà tôi choáng!

- Tôi còn choáng bằng vạn lần ông, khi tôi hỏi tại sao các em lại quả quyết như vậy, một em tự tin chứng minh: “Người Việt Nam từ đời nhà Hậu Lê đã biết làm ra biết làm ra xi măng. Bằng chứng là bàn cờ trên đỉnh núi Côn Sơn mà năm 1437 khi Nguyễn Trãi về nơi đây ngồi chơi cờ với bạn bè, được làm bằng xi măng”. Nghe vậy, một em học sinh khác đứng phắt lên, phản bác: “Thưa thầy, bạn ấy nói sai rồi. Người Việt Nam biết làm ra xi măng từ thời nhà Lý cơ. Bằng chứng là từ năm 1049, khi xây dựng chùa Một Cột ở Hà Nội, cha ông ta thời đó đã làm cột bằng bê tông cốt sắt, còn bậc thang lên xuống chùa thì làm bằng xi măng”. Nghe vậy, lại một em khác lại đứng phắt lên, phản bác: “Thưa thầy, cả hai bạn đều nói sai quá thể. Ở Lạng Sơn, hòn Vọng Phu xuất hiện khi xẩy ra chuyện nàng Tô Thị ôm con đứng trên đỉnh núi trông chồng về, mà hòn Vọng Phu này bằng xi măng cốt sắt. Truyện cổ tích là chuyện xuất hiện từ xa xưa, thế thì chắc chắn tổ tiên ta biết dùng xi măng để đắp tượng này hồi đó phải trước thời nhà Lý nhiều”.

Nghe đến đây, tôi đành an ủi:

- Có lẽ không phải ông dốt, dậy sai kiến thức đâu mà là do các vị quản lý bảo tồn di tích văn hóa lịch sử thời nay quá mê xi măng, nên khi trùng tu di tích văn hóa đáng lẽ phải tu sửa giống như xưa, lại đập đá, bỏ gỗ thay tuốt bằng xi măng hiện đại nên gây ra hiểu lầm và ngộ nhận cho học sinh của ông đó thôi.

- Sao lại có cái sự “mê” vô lý đến như thế được? Tôi hỏi ông nhé, trong truyện cổ tích, nàng Tô Thị thủy chung vì chờ chồng mà hóa đá. Bây giờ thay bằng tượng bê tông, chả lẽ phải sửa truyện cổ thành nàng Tô Thị chờ chồng hóa… bê tông cốt sắt à?

Theo bạn có nên sửa lại… truyện cổ tích cho phù hợp?

Nguyễn Đoàn