Chợ âm phủ “bằng cấp”

(Dân trí) - Có bạn hỏi vì sao trong “chợ âm phủ” này không có bóng lương dân ư? Vì lương dân sống không bằng chức tước. Họ sống vì công sức lao động thực lực chứ không vì cái quy chế đề cao bằng cấp trùm lên các kiểu các loại "ghế".

Chợ âm phủ “bằng cấp”      - 1
           
 (Minh họa: Ngọc Diệp)     
                 
Sau trận động đất gây sóng thần ở Nhật Bản, anh bạn tôi đang hành nghề gần khu vực bị ảnh hưởng tạm dừng công việc làm ăn, đưa vợ con về nước nghỉ dưỡng. Một bữa ngồi cà phê, anh trăn trở:
 
- Mức độ rò rỉ phóng xạ tại Nhật vừa qua người dân ai cũng nhận biết vì kết quả đo lường được chính phủ công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Còn thực trạng “rò rỉ” văn bằng chứng chỉ ở nước mình, không hiểu sao đến nay tôi chưa thấy cơ quan thẩm quyền nào công khai cho dân biết nhỉ? Chẳng biết có bao nhiêu vị là cán bộ thuộc "hệ" gian dối văn bằng chứng chỉ? Cụ thể hơn là có bao nhiêu người sử dụng bằng giả do chợ âm phủ ấn hành? Bao nhiêu người "học giả" mà vẫn có bằng "xịn" do Bộ GD & ĐT quản lý?
 
Ngỡ câu chuyện dở dang ấy đã xóa khỏi bộ nhớ “made in thập cẩm” của tôi nếu không có một hôm ngứa tay, ngứa chân đánh đường vào Sóc Trăng. Tuy chỉ là một "tỉnh lẻ" nhưng Sóc Trăng đã dũng cảm làm cuộc xác minh, kiểm tra. Kết quả là trong 552 văn bằng chứng chỉ được kiểm tra đã phát hiện 282 văn bằng chứng chỉ dởm và giả.  Điều đáng buồn là ngành GDĐT chiếm tới 107 người (37,9%). Ghé về Phú Yên, lại bắt gặp một bác Phó GĐ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên chỉ có giấy chứng nhận đã học lớp 11. Tuy chưa có bằng tốt nghiệp THPT, bác này vào ngành ngân hàng rồi theo học trung cấp và tiếp tục học đại học hệ tại chức. Nhờ tấm bằng này, đã giúp ông đào sâu chôn chặt quá khứ học hành đứt gãy của mình. Với vốn bằng cấp vừa tạo được, năm 2007 bác ấy được đề bạt Phó GĐ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên. Vâng, chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước hẳn hoi.
 
Nhờ bằng cấp “lộ cộ” nhưng con đường thăng tiến lại bằng phẳng nên hèn chi từ báo chí trung ương đến địa phương đặt cho những nơi mua, bán văn bằng dởm là "chợ âm phủ"! Nhưng nổi tiếng như chợ Viềng "âm phủ" (Nam Trực – Nam Định) hàng năm chỉ họp một lần thì "chợ âm phủ" mua bán văn bằng chứng chỉ giả thì họp quanh năm suốt tháng.
 
Có bạn hỏi vì sao trong “chợ âm phủ” này không có bóng lương dân ư? Vì lương dân sống không bằng chức tước. Họ sống vì công sức lao động thực lực chứ không vì cái quy chế đề cao bằng cấp trùm lên các kiểu các loại "ghế". Chính cái quy chế đề cao bằng cấp đã kích thích nhu cầu tiêu thụ các loại văn bằng dởm! Theo tôi, có cầu ắt có cung. Các bạn có nhất trí với tôi không?

Thuận Ngôn