1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thăng tiến bằng bằng giả, phải bị tội!

Phản ánh chuyện sau khi triệt phá các đường dây làm bằng giả, công an phát hiện không ít cán bộ xài bằng giả để tăng lương, lên chức... Theo Bộ luật hình sự, hành vi này là phạm tội nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị khởi tố.

Chuyện xài bằng giả ở nước ta hiện khá phổ biến. Dù vậy, nhiều năm công tác ở ngành tòa án, tôi cũng chưa thấy trường hợp nào xài bằng giả bị xử lý hình sự, hầu như chỉ bị xử lý kỷ luật, nặng thì buộc thôi việc, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, chuyển công tác. Trong khi đó, Điều 267 BLHS quy định hành vi sử dụng bằng giả là phạm tội.

 

Ở đây có chuyện cần bàn về tội danh. Điều 267 BLHS quy định “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ không quy định “tội sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong khi đó, điều văn của điều luật lại quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân...”.

 

Không biết có phải do tội danh một đằng, hành vi một nẻo nên các cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng bằng giả hay không. Nhưng theo tôi thì không hẳn vậy. Bởi lẽ trong BLHS không chỉ có Điều 267 mới quy định hành vi một đằng, tội danh một nẻo mà còn một số điều luật khác cũng thế. Ví dụ: Điều 251 quy định “tội rửa tiền” nhưng điều văn của điều luật quy định cả hành vi “rửa tài sản”. Điều 257 quy định “tội chống người thi hành công vụ”, điều văn của điều luật quy định cả hành vi dùng thủ đoạn khác “cản trở” người thi hành công vụ hoặc “ép buộc” họ thực hiện hành vi trái pháp luật…

 

Xét về kỹ thuật lập pháp, lẽ ra Điều 267 BLHS phải quy định tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì mới phù hợp với điều văn của điều luật. Tuy nhiên, không thể vì kỹ thuật lập pháp có vấn đề mà cho rằng hành vi sử dụng bằng giả không cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Nếu xét về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi làm giả với hành vi sử dụng giấy tờ giả không khác nhau, thậm chí có trường hợp sử dụng bằng giả còn nghiêm trọng hơn làm ra bằng giả. Nếu một người xài bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, do xài bằng giả mà từ một cán bộ bình thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thì phải xử lý hình sự. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự họ sẽ tạo ra suy nghĩ trong xã hội là xử lý không công bằng.

 

Điều 267 BLHS quy định đã tương đối rõ nên không nhất thiết phải hướng dẫn trường hợp nào gây hậu quả nghiêm trọng thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự vì dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu cần phải ban hành hướng dẫn thì nên hướng dẫn trường hợp nào phải xử lý hình sự, trường hợp nào chỉ xử lý hành chính.

 

Đinh Văn Quế

Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Theo Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm