Chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam

Nguyễn Hồng Quân

(Dân trí) - Hiện đại hóa quân đội và thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không" sẽ góp phần bảo vệ hòa bình vững chắc của đất nước.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 tuần, khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về nhiều mặt, trong đó trực tiếp là người dân Ukraine. Hàng triệu người phải bỏ quê hương đi tị nạn, nhiều dân thường bao gồm cả trẻ em thương vong. Chiến sự diễn ra bên trong đất nước Ukraine, nhưng ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặt ra những vấn đề chưa có tiền lệ về quan hệ quốc tế và nguy cơ phá vỡ cấu trúc an ninh hiện tại của thế giới.

Với Việt Nam, nhiều ý kiến phân tích nhìn từ cuộc chiến này có thể thấy những thách thức, những bài toán chiến lược sao cho những vấn đề tương tự không bao giờ được phép xảy ra với đất nước chúng ta.

Dịp này, một bạn trẻ hỏi tôi: Trong bối cảnh thế giới bất ổn, Việt Nam nên chăng liên minh với nước khác, chấp nhận cho họ đặt căn cứ quân sự giúp chúng ta bảo vệ đất nước?

Tôi trả lời ngay "Không thể!". Nếu làm vậy, chúng ta sẽ bị đẩy lên tuyến đầu và trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh địa - chiến lược giữa các nước lớn.

Trong Chiến tranh Lạnh, Việt Nam cho Liên Xô sử dụng căn cứ hải quân Cam Ranh từ năm 1978. Nhưng từ khi thực hiện đường lối Đổi Mới, Việt Nam từ chối gia hạn và Nga - nước kế thừa Liên Xô về mặt pháp lý - đã rời khỏi Cam Ranh tháng 5/2002, sớm 2 năm so với thỏa thuận đã ký.

"Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác", là một trong số chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam. "Ba không" còn lại gồm: Việt Nam không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chính sách quốc phòng bốn không của Việt Nam - 1

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân.

Thứ nhất, không tham gia liên minh quân sự 

Việt Nam nhất quán "thêm bạn, bớt thù". Một khi tham gia liên minh quân sự, chúng ta sẽ phải gắn với một bên, phải san sẻ trách nhiệm tài chính, nhân lực; có thể phải nhân nhượng một số lợi ích, sẽ phải hy sinh một phần nhất định chủ quyền quốc gia, có thể phải đối đầu với bên khác, tức là "chuốc" thêm kẻ thù. Do đó, Việt Nam chỉ chọn đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Mặt khác, sau Chiến tranh Lạnh, các nước đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, mỗi nước phải tự bảo vệ lợi ích quốc gia mình, không thể trông chờ và sẽ không có quốc gia nào bảo vệ lợi ích thay cho nước khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cố gắng duy trì quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực Biển Đông.

Thứ hai, không liên kết với nước này để chống nước kia

Việc thực hiện nguyên tắc "không liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác" trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực hiện nay. Nếu Việt Nam liên minh với bên ngoài, ưu tiên dùng biện pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp, bất đồng thì sẽ khó được các nước khác ủng hộ.

Nguyên tắc này giúp Việt Nam có vị thế phù hợp để đối thoại với các nước hay tham gia vào các cơ chế đối thoại an ninh, quan sát viên các hội nghị, các cuộc tập trận ở khu vực. Tuy tham gia diễn tập với một số nước, nhưng Việt Nam không đi với đối tác này để chống lại nước thứ ba. Mỗi năm, Việt Nam đón hàng chục tàu chiến nước ngoài, thậm chí năm 2018 và năm 2020, Việt Nam đón tàu sân bay Mỹ vào thăm, nhưng không phải là Việt Nam dùng các chiến hạm nước ngoài để đối phó với các hành động đe dọa chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Thứ ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác

Việt Nam khẳng định rõ ràng với thế giới là không chấp nhận cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba.

Với quân cảng Cam Ranh, chúng ta xác định đây là căn cứ riêng của hải quân Việt Nam; đồng thời, Việt Nam đã cho xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu của không ít quốc gia muốn cho tàu chiến được ghé đậu quân cảng này. Như vậy, hoạt động của tàu chiến nước ngoài tại cảng quốc tế Cam Ranh không vi phạm nguyên tắc "không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác".

Đến nay, Việt Nam đã đón tiếp nhiều tàu hải quân nước ngoài, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nga, Trung Quốc …. đến thăm, ghé đậu tại cảng quốc  tế Cam Ranh. Điều đó thể hiện sự kiên định về nguyên tắc và uyển chuyển trong cách thực hiện của Việt Nam. Việc vận dụng thực hiện các chính sách nói trên hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.

Thứ tư, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định: "Việt Nam chủ trương… không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Việc bổ sung điểm thứ tư này làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình trong chính sách quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình. 

Nguyên tắc không sử dụng vũ lực được đề cập từ Thỏa ước Hội Quốc liên năm 1919 và Hiệp ước Briand-Kellog hay còn gọi là Hiệp ước Paris năm 1928. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nguyên tắc "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế" được ghi nhận trong Điều 2, khoản 4 Hiến chương Liên Hợp quốc và Điều 2, khoản 2, tiết c Hiến chương ASEAN. Do đó, Việt Nam chỉ nhắc lại một nguyên tắc đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi, thể hiện chính sách quốc phòng Việt Nam tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp quốc; đồng thời, góp phần nhấn mạnh tính phi pháp của các hành vi gây hấn, đe dọa, cưỡng ép nước khác phải ngừng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia. Nhắc lại nguyên tắc "không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", Việt Nam muốn chuyển tải thông điệp: Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tương xứng với trách nhiệm và vị thế quốc tế của mình.

Nguyên tắc này không mâu thuẫn với mục đích hiện đại hóa quân đội cũng như nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang Việt Nam, đó là bảo vệ đất nước, kể cả bằng cách sử dụng vũ lực khi cần thiết. Nếu đất nước có chiến tranh, người Việt Nam buộc phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình.

Chúng ta kiên định chính sách quốc phòng "Không liên kết với nước này chống nước kia". Việt Nam không liên minh quân sự, đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng nhằm mở rộng sự ủng hộ quốc tế, phát triển năng lực nhận thức, hiểu biết của chúng ta.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 viết: "Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế". Điểm này tạo cho Việt Nam sự linh hoạt, chủ động ứng phó trong những tình huống phức tạp hoặc khi có yêu cầu cấp thiết bảo vệ Tổ quốc.

Với tinh thần "Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc", Việt Nam có thể cân nhắc, tham gia một số hoạt động phối hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên các diễn đàn khu vực, quốc tế.

Hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam đã "phủ sóng" tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng ngày càng rộng mở với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đây là thuận lợi chưa từng có, là cơ hội để Việt Nam ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và quân đội trên trường quốc tế.

Lịch sử dân tộc ta trải qua mấy nghìn năm, công cuộc dựng nước luôn đi đôi với giữ nước. Chính sách quốc phòng "bốn không" được đúc kết từ truyền thống giữ nước đó và ngày càng chứng minh sự đúng đắn, phù hợp với Việt Nam.

Cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi có truyền thống quân ngũ. Cha tôi là chiến sĩ Cứu quốc quân năm xưa, còn tôi cầm súng lên đường chiến đấu khi mới tốt nghiệp phổ thông, chưa đầy 18 tuổi. Những năm sau này, tôi được tham gia công tác đối ngoại và nghiên cứu về quốc phòng.

Từng là người lính, nên tôi luôn mong đất nước ta mãi bình yên, người dân được sống trong hòa bình, hòa hiếu với các dân tộc. Xây dựng chiến lược hiện đại hóa quân đội lâu dài và thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không" sẽ góp phần bảo vệ hòa bình vững chắc, để chiến tranh không xảy ra thêm lần nữa, nhưng vẫn bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.