Chính phủ cần nhưng quận... chưa vội

(Dân trí) - 65 bài trên báo Dân trí với đủ các lý lẽ thuyết phục. Công văn của UBND TP Hà Nội và Công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu. Thế nhưng đến nay, vụ việc nhà 146 Quán Thánh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hình như có một sự thách thức “Chính phủ cần nhưng quận chưa vội – Chính phủ vội, Chính phủ… lội Chính phủ sang”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ để bạn đọc tiện theo dõi, nhắc lại đôi nét về vụ việc “trầm luân” này.

Câu chuyện bắt đầu từ việc hơn một chục gia đình đã nhiều năm sống yên bình và đoàn kết trong một khu biệt thự cổ từ thời Pháp. Nhà đẹp, cây xanh, không khí trong lành, đường cống rãnh thông thoáng...

Bỗng một ngày xấu trời, nước thải, nước mưa tắc nghẽn, cả khu nhà chìm ngập trong hôi thối suốt mấy năm trời bất kể nắng mưa. Nguyên nhân được người dân cho là do đường cống thoát nước thải từ bao giờ đã nằm dưới nền nhà số 5 (đã được UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ đè lên cả đường cống) bị ai đó bịt lại.

Tất nhiên, những người dân lương thiện ở đây không thể chấp nhận được sự tai quái đó và họ đã hành xử đúng pháp luật: Làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

Và phải mất mấy năm trời, bộ máy công chức cồng kềnh và ì ạch ở đây mới nhúc nhích. Một thời gian khá dài tiếp sau, họ mới đưa ra được kết luận tắc cống dẫn nước điểm dưới ngôi nhà số 5 bởi đẩy bê tông và giẻ rách.

Nếu theo đúng qui định của luật pháp, kể cả qui định bất thành văn của đời sống xã hội, ai làm hỏng thì sửa đền, cống tắc thì phải thông trả lại đúng nguyên trạng.

Thế nhưng chả hiểu sao, UBND Quận Ba Đình lại có một kế sách “tuyệt vời”, chẳng giống ai, đó bỏ ra gần 500 triệu đồng bằng tiền ngân sách để xây một cái cống mới, lòng vòng tránh ngôi nhà nọ.

Sự việc đến tới UB ND TP Hà Nội, ông Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo: “phải bàn bạc, thống nhất với người dân” thì ông ông Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Phong Cầm gạt phăng đi: “không phải hỏi dân” khiến ĐBQH Dương Trung Quốc ngậm ngùi thốt lên: “nói rằng không cần lấy ý kiến người dân thì người đó không những chỉ là dại dột, mà đó là người dốt”.

Một sự việc “bằng cái móng tay”, dù Thành phố đã chỉ đạo nhưng cuối cùng phải lên đến Chính phủ gửi Công văn yêu cầu giải quyết và báo cáo. Điều này thể hiện sự quyết liệt, nói là làm, phản ứng nhanh nhạy trước những sự việc của nóng của Chính phủ. Thế nhưng đến ngày 26/9, quá hạn 56 ngày theo yêu cầu của Thủ tướng, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Hôm dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trực tiếp yêu cầu ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) báo cáo vụ 146 Quán Thánh và cho biết lý do để quá hạn này.

Sau khi nghe ông Chủ tịch quận Ba Đình phân trần đủ mọi lý do, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dứt khoát: “Tôi hỏi lại hạn giải quyết cuối cùng đến bao giờ?” đồng thời yêu cầu UBND quận Ba Đình phải giải quyết dứt điểm sự việc trước ngày 30/10. Ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã hứa nhận chỉ đạo.

Thời hạn tháng 30/10/2016 đã trôi qua, đến thời điểm này (3/11), tại khu biệt thự cũ 146 Quán Thánh, mọi sự vẫn “án binh bất động”, không hề có một động thái nào báo hiệu UBND quận Ba Đình tiến hành giải quyết dứt điểm sự việc.

Điều gì khiến sự việc cỏn con mà trì trệ như vậy thì chỉ những người trong cuộc mới biết. Tuy nhiên, chỉ một việc không thực hiện lệnh của Thủ tướng (không phải là một lần mà là hai lần) thì không thể nói khác người xưa, đó là tội “khi quân”. Phải chăng đây chính là những “ông vua con” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Không biết lãnh đạo mà có một việc nhỏ như thế, chính đáng như thế, minh bạch như thế mà giải quyết không xong lại còn hai lần “phớt” lệnh của Thủ tướng, liệu có đủ năng lực và phẩm chất làm lãnh đạo không nhỉ?

Và theo các bạn, nên xử lý “những ông vua con” mắc tội “khi quân” này như thế nào cho thỏa đáng?

Bùi Hoàng Tám