Chiếc còi “hụ” và tư tưởng... “cát cứ”!

(Dân trí) - Việc nghĩ “dân ngu” cũng chưa nguy hiểm bằng nếu như “ông huyện” Giáp lại cho mình là tài, là giỏi, là người “xuất chúng”, “phụ mẫu” của dân, mỗi khi ra đường, “hụ” còi để dân chúng biết đường mà tránh, mà dẹp cho “quan” đi.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Ý thức người dân rất kém”. Đó là phát biểu của ông Chủ tịch huyện Quế Phong (Nghệ An) Lê Văn Giáp.

Lý do ông Chủ tịch Giáp chê “thần dân” của mình là để biện hộ cho việc chiếc xe mang nhãn hiệu Toyota loại 7 chỗ của UBND huyện gắn còi hụ, một loại còi đặc dụng, chỉ dùng cho các loại xe như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật…

Tóm lại, chiểu theo những qui định này thì xe ông Chủ tịch Giáp sử dụng không thuộc bất cứ đối tượng nào.

Vậy vì sao ông Giáp lại tự cho mình cái “đặc quyền” này?

Lý do, ông Giáp nói rồi. Là bởi người dân địa phận thuộc quyền quản lý của ông ý thức kém, nên ông muốn an toàn cho mình và cho cả dân.

Đổ lỗi cho dân thì không khó, thậm chí là rất dễ và cũng không phải là chưa có ai làm điều này. Nhưng khổ nỗi, thiên hạ sẽ nghĩ ngược lại, là chẳng biết ông “lãnh đạo” như thế nào mà lại để dân kém thế, thiếu ý thức thế? Còn nói theo trách nhiệm người đứng đầu, dân kém là do lãnh đạo… ít giỏi.

Rồi chính những người dân ở đây sẽ nghĩ thế nào khi bị chính người lãnh đạo do mình bầu lên chê rằng “ý thức kém”?

Và nếu như có ai đó cho rằng dân họ kém thật và chính vì họ kém nên… mới bầu cho ông, hay ông mới được làm “quan” như câu thơ của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cách đây gần một thế kỉ: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan” thì… đau xót quá.

Song, việc “dân ngu” cũng chưa nguy hiểm bằng nếu như “ông huyện” Giáp lại cho mình là tài, là giỏi, là người “xuất chúng”, “phụ mẫu” của dân, mỗi khi ra đường, “hụ” còi để dân chúng biết đường mà tránh, mà dẹp cho “quan” đi.

Nếu như có tư tưởng này thì không còn là “xa dân, rời dân” nữa mà trên dân, cai trị dân và nếu thế thì quả là… nguy hại. Cả nước vừa tưng bừng kỉ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng đã thay đổi thân phận từ “thần dân” được trở thành “công dân”, đưa “quan phụ mẫu” trở thành vị trí người phục vụ nhân dân.

Cũng cần loại trừ tư tưởng “cát cứ”, tự coi mình là “vua” của một vùng, một hiện tượng không phải là không đáng lo ngại.

Rất “may” cho người dân ở đây, sau khi báo chí phản ánh, ông Chủ tịch Giáp đã cho gỡ cái còi “oai phong lẫm liệt”, mang tính “đặc quyền, đặc lợi” này.

Nhưng quan trọng hơn, là mong ông nên biết và đủ “tri thức” để dỡ bỏ cái tư tưởng “trên dân, trị dân”, đặc biệt là “cát cứ” trong suy nghĩ của một người lãnh đạo, nếu như ông có tư tưởng đó.

Bùi Hoàng Tám