Chất lượng sống trên khẩu hiệu

(Dân trí) - Chất lượng sống là gì khi phải vật lộn với kẹt xe, tắc đường. Trẻ con, người lớn nháo nhào vì thay đổi giờ học, giờ làm. Chất lượng sống ở đâu khi môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm mất vệ sinh và tai nạn giao thông rình rập trên từng mét đường?

Khái niệm “chất lượng sống” mới được bàn đến mấy năm nay, dân mình tin rằng nó đã được nâng cao, cao mãi. Nhưng nhờ các nguồn thông tin vô tận từ gã Internet hào phóng, dân mình mới có được những chân dung cuộc sống từ các quốc gia khác để so sánh. So sánh để thấy mình sống có “chất lượng” hay không?
 
Chất lượng sống trên khẩu hiệu - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chất lượng sống được thể hiện ở nhiều mặt. Xin chỉ tạm đưa ra vài lĩnh vực gần nhất, y tế chẳng hạn. Tại hội thảo về vấn đề quá tải bệnh viện ở TPHCM ngày 14.2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt vấn đề rằng, giải pháp nào để các bện viện thoát cảnh  2- 3 bệnh nhân nằm chung giường? Một câu hỏi quá cũ nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, nói 2 -3 bệnh nhân chung giường là còn “biên tập” bớt đi vài “nhân vật” đấy nhé. Ở nước mình, 4 -5 bệnh nhân một giường cũng không phải chuyện lạ.Và điều này nữa, cho dù “biên chế” quá đông người trên một giường nên bệnh nhân phải nằm hành lang nhưng cũng phải đóng tiền giường. Ngạc nhiên chưa?

Còn giáo dục thì sao, Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng cũng diễn ra ngày 14.2 tại Hà Nội, Bộ GD ĐT thừa nhận thiếu sót về chất lượng giáo dục. Chuyện này cũng cũ như quá tải bệnh viện và bao năm qua  không cải thiện được. Trường đại học VN đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, địa phương nào cũng vài trường mới, tuyển sinh không cần chất lượng đầu vào, đào tạo không cần chất lượng đầu ra. Đến thời buổi này mà còn giảng dạy những giáo trình lỗi thời , lạc hậu, nói không ai tin. Không tin sao học?

Vì quá mất niềm tin vào chất lượng y tế, giáo dục của nước mình, nên ngày  càng có nhiều bệnh nhân tìm ra nưước ngoài điều trị, nhiều gia đình tích góp cho con du học. Ngoại tệ đổ ra cho việc đi mua “chất lượng sống” ở nước ngoài mỗi năm lên đến vài tỉ USD. Nước mình nghèo lại càng nghèo hơn là vì vậy.

Còn nữa, chất lượng sống là gì khi cả nhà khổ sở vật lộn với nạn kẹt xe, tắc đường. Trẻ con, người lớn nháo nhào vì thay đổi giờ học, giờ làm. Chất lượng sống ở đâu khi môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm mất an toàn vệ sinh và tai nạn giao thông rình rập người dân người trên từng mét đường?

Theo bạn vì sao chất lượng sống của chúng ta còn khác nhiều với các câu khẩu hiệu?

Lê Chân Nhân