Chán lắm thằng con!
(Dân trí) - Hay là thế này, ông xây cầu nào hỏng cầu ấy, vậy ông cho con học nghề sửa chữa cầu, để ông xây, nó sửa, “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, ông vẫn được tiếng là “cao nhân” mà con ông cũng được tiếng là “cao nhân”.
- Thằng con tôi, chán lắm ông ạ!
- Chết, chết! cờ bạc à? Nghiện hút à?
- Không phải thế. Chán là nó không chịu theo nghề của bố.
- Dở hơi! Cái nghề xây dựng cầu của ông là cái nghề phục vụ dân sinh. Có cầu, dân không còn cách sông cách đò nữa. Các cháu học sinh đến trường không còn sợ nạn sông nước. Nhờ ông, ở nhiều vùng, câu nói “Có phúc đẻ con biết lội, có tội để con biết trèo” của các cụ nhà ta ngày xưa không còn đúng nữa.
- Thì đã nói với nó như thế.
- Hơn nữa, xây cầu là một nghề thu nhập cao. Tôi thấy ông giờ là người giầu nhất trong số bạn học cùng lớp đấy.
- Thì cũng đã nói với nó như thế.
- Hay là nó không theo nghề bố vì sợ mình học kém, không thi nổi vào trường đại học để nối nghiệp bố.
- Nó học giỏi vào loại nhất lớp đấy!
- Lạ! Vậy sao nó lại quyết tâm không theo nghề của bố nhỉ?
- Nó bảo: “Làm người phải có lòng tự trọng, làm gì cũng đừng để thiên hạ chê cười.”
- Nghề ông, ai dám chê cười?
- Thì tôi cũng bảo nó thế, nhưng nó bảo: “Thiên hạ không chê cười nghề của bố, nhưng từ khi bố làm nghề này, thiên hạ chê cười bố, các bạn ở lớp con chê cười bố, con xấu hổ lắm, nay lại đâm đầu vào nghề này, chúng nó sẽ dè bỉu: “Đấy, đấy, cây nào lá ấy”, ngượng lắm. Tôi hỏi: “Vậy thiên hạ chê cười bố cái gì?” Nó bảo: “Thì đấy, bố cứ giở báo ra mà xem. Họ nói bố xây cái cầu nào là cầu đó có chuyện. Xây xong là hỏng, có cái chưa xây xong đã hỏng. Nhiều đồng nghiệp của bố cũng thế. Cầu sông Giăng (Nghệ An) là tâm điểm của tuyến đường nối huyện Anh Sơn với một cửa khẩu sẽ mở sang Lào, thời gian thi công chậm đến gần 5 năm mà chiếc cầu vẫn hư hỏng thảm hại, mặt đường nối đầu cầu đã bị sụt xuống, mặt cầu đã bị vỡ ra. Cầu Tu Dốp 1 nằm trên tuyến đường liên huyện Đăk Tô - Sa Thầy, cầm 350 tỉ đồng để xây, chủ đầu tư làm xong, chưa bàn giao thì đã bị xuống cấp. Sau một năm sửa chữa, cầu lại hỏng. Còn cầu treo thôn Thanh Sen 3, xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, dùng 2 tỷ 350 triệu đồng để xây, nhưng mới đưa vào sử dụng đã bị sụt lở, hư hỏng nặng. Chả nói ở miền núi hay nông thôn, ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, cầu Rạch Chiếc nằm trên tuyến huyết mạch từ nội thành ra miền Đông Nam Bộ, hai nhánh biên của nó được xây với 346 tỷ đồng, bị hư hỏng ngay khi đưa vào sử dụng, sửa xong, một năm sau lại sụt lún, bong tróc. Còn ở Hà Nội, Cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác chưa lâu, nhưng đã hai lần xuất hiện các vệt lún. Còn cầu Vĩnh Tuy chưa được gắn biển chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà mặt cây cầu này đã xuất hiện các vết nhăn do áo đường bị ùn sang lề…
- Hay là thế này, ông xây cầu nào hỏng cầu ấy, vậy ông cho con học nghề sửa chữa cầu, để ông xây, nó sửa, “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, ông vẫn được tiếng là “cao nhân” mà con ông cũng được tiếng là “cao nhân”.
- Thì tôi cũng bảo nó thế, nhưng nó bảo: “Vẫn mang tiếng! Bố không thấy cầu Thăng Long sửa đi, sửa lại, được lát nhựa công nghệ Anh quốc. Kết quả đi được một thời gian thì lại xuống cấp tệ hại. Lần sửa trước thì đơn vị chủ quản nói là do trời mưa nhiều quá nên mặt cầu không bám. Lần sửa sau lại nói là do trời nắng nóng lâu nên làm tăng tốc độ hư hỏng mặt cầu! Chẳng lẽ phải làm mái che nắng che mưa cho cầu Thăng Long. Những tiền tỉ này đến tiền tỉ khác đổ vào xây các cây cầu, khiến đa số người dân đang phải lo kiếm “bạc cắc” từng ngày chẳng thể không chê cười, nghe mà buồn lắm, bố ơi”.
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!