Cây cầu lỗi do... gió và vỏ tàu hỏng do nước biển... mặn
(Dân trí) - Chuyện cây cầu vượt biển Tân Vũ- Lạch Huyện (Hải Phòng) có vốn đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, xảy ra một vài sự cố khá nghiêm trọng mà một nguyên nhân được giải thích về sự cố thấm nước là do… gió thổi mạnh thực sự là một câu chuyện gây cười nhất tuần qua.
Như nhiều tờ báo (trong đó có Dân trí) đã đăng tải, cây cầu vượt biển Tân Vũ- Lạch Huyện dài hơn 5 km nối bán đảo Đình Vũ với đảo Cát Hải (Hải Phòng) có sự cố bị thấm nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của Hội đồng thẩm định Nhà nước các công trình xây dựng, qua kiểm tra cây cầu này có 15/1.330 vị trí có hiện tượng bị thấm nước.
Chủ đầu tư- Ban quản lý dự án 2 (đại diện Chủ đầu tư-Bộ Giao thông vận tải) giải thích: "Tại một số vị trí mối nối, trong quá trình thi công bề mặt keo bị bám bụi bởi gió thổi mạnh dẫn đến sau khi gắn kết các đốt dầm vẫn còn các hạt bụi tồn tại trong mối nối làm cho mối nối bị thấm nước vào trong lòng dầm hộp".
Với cách trả lời như vậy, câu chuyện trên đã trở thành một chuyện… hài. Bởi lẽ, ai cũng có thể hiểu, gió ở các vùng biển lúc nào chẳng to. Thế chẵng lẽ, cây cầu nào xây ở đâu cũng có thể bị sự cố như trên?
Cách giải thích "đổ tội thiên tai" thật khó...ngửi như vậy, tiếc thay, đã không chỉ áp dụng ở công trình này mà đã thấy ở không ít công trình, dự án khác.
Ví dụ ở các dự án đóng tàu vỏ thép để phục vụ ngư dân đánh bắt cá xa bờ, bám biển theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, đã có hàng loạt con tàu mới hoàn thành đã bị gỉ sét, hư hỏng, ra khơi liên tục gặp sự cố. Trả lời về nguyên nhân, các công ty được giao đóng tàu đã giải thích là do: "Nước biển quá mặn".
Trong khi đó, nguyên nhân thực sự của tình trạng này là các công ty đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng, thay vì dùng thép Nhật, Hàn Quốc thì dùng thép Trung Quốc đóng tàu, máy chính tàu không đồng bộ.
Người viết bài này cũng đã từng nghe từ một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có những dự án về đê kè, có số vốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng mỗi khi xuống cấp nhanh, hư hỏng cũng thường hay được giải thích là do: Sóng, gió bão quá lớn nên ảnh hưởng abc ...
Và lý do đổ tại thiên tai này, rất khó kiểm tra độ chính xác và nhiều khi đành phải chịu đó là do thiên tai thật dù cơ quan kiểm tra rất nghi ngờ. Bởi khi báo cáo lập dự án, báo cáo hoàn thành thì nói rất hoành tráng: Chịu được sóng, gió cấp 12, 13. Nhưng ai ngờ, mới có cấp 6- 7, đê đã nứt đằng đê, kè đã vỡ đằng kè.
Cho nên, với cái lối giải thích "sự cố đổ tại thiên tai" rất khó nghe này, chẳng có cách nào khác, cơ quan chức năng cứ phải sử dụng các quy chuẩn, quy định về kỹ thuật, hồ sơ dự án để đối chiếu. Nếu chủ đầu tư, các đơn vị thi công cố tính làm sai về mặt kỹ thuật, nhất là có những dấu hiệu bớt xén, ăn cắp vật tư, thay đổi vật liệu, làm sai thiết kế... thì cứ chiểu theo quy định để áp dụng các hình thức phạt nặng. Mọi sự giải thích không có căn cứ về khoa học, kỹ thuật càng không thể chấp nhận được.
Thậm chí, còn nên coi cái lý do đổ tại khách quan, thiên tai đó thành một tình tiết tăng nặng hơn khi áp dụng hình thức trừng phạt. Bởi đó là lối nói lấp liếm, che giấu sự thật một cách trơ trẽn.
Mạnh Quân