Cần có một "Đoàn Ngọc Hải" trên lĩnh vực quản lý thị trường
(Dân trí) - Nếu như ở TPHCM thời gian qua, những việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 đã có những việc làm quyết liệt để lập lại trật tự vỉa hè- lòng đường thì mới đây, TPHCM lại xuất hiện một mô hình mới- đó là Tổ công tác 334 với người đứng đầu là ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Tổ công tác 334 là tên viết tắt của Đoàn kiểm tra thực hiện kế hoạch đấu tranh các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm của TPHCM đến hết năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ban hành theo Quyết định 334/QĐ-BCT.
Khi tổ này mới được thành lập, cũng không nhiều người chú ý lắm vì mấy năm nay, có hàng trăm tổ công tác, ban chỉ đạo... được thành lập, rồi giải tán sau một thời gian hoạt động mà không nhiều tổ, ban chỉ đạo để lại dấu ấn trong hoạt động.
Nhưng Tổ 334, dù mới chỉ thành lập vào đầu tháng 5 vừa qua (chính xác là ngày 9/5), đã nhanh chóng chỉ đạo, xử lý hàng loạt vụ việc buôn lậu, kinh doanh trái phép, giả nguồn gốc xuất xứ với số lượng rất lớn tại TPHCM.
Mới nhất là trong tuần qua, ngày 15/6, Tổ 334 đã chủ động phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp kiểm tra 10 điểm ở quận 5 và quận 6 phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về kinh doanh đường nhập lậu, hết hạn sử dụng...
Cụ thể, tại quận Bình Tân, đoàn kiểm tra đã phát hiện Chi nhánh Công ty TNHH DL TM Thành Thành Phát (quận Bình Tân) kinh doanh đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đó tạm giữ 3.708 kg đường cát vàng đựng trong bao giấy dầu loại 12 kg/bao; 2.000 kg đường cát trắng đựng trong bao loại 50 kg/bao.
Hay ngay tại địa chỉ 224 Võ Văn Kiệt, Lực lượng chức năng tạm giữ 5.000 kg đường cát vàng có nhãn ghi Công ty CP Mía đường Sóc Trăng hết hạn sử dụng tháng 4-2018; 3.600 kg đường cát trắng mang nhãn hiệu Cơ sở Ngọc Bích không có hóa đơn chứng từ…
Tổng số lượng đường bị lực lượng QLTT tạm giữ ở 10 điểm ước tính 107.400 tấn.
Đáng chú ý, trước đó, Tổ công tác 334 còn chỉ đạo, mở rộng phạm vi kiểm tra tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Trị..., kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng chục ngàn tấn đường nhập lậu, kinh doanh trái phép khác.
Đây mới là các hoạt động bước đầu nhưng rất đáng chú ý bởi đã từ lâu, việc chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, làm hàng gian, hàng giả... đã ít được nhắc đến. Và chỉ qua vài đợt "ra quân" của Tổ công tác này đã cho thấy, tình trạng nhập lậu, kinh doanh hàng gian, hàng giả vẫn còn rất nghiêm trọng, phổ biến.
Người đứng đầu Tổ công tác 334, lại là một cái tên không xa lạ- ông Trần Hùng, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Trung ương (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, hàng giả Trung ương), nay là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương.
Trước đây, khi ở Ban chỉ đạo 389 Trung ương, ông Trần Hùng cũng đã tạo dấu ấn với việc tham gia chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý một loạt các đường dây, vụ việc buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả tại Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Ông Trần Hùng có nhiều điểm rất giống với ông Đoàn Ngọc Hải: Rất quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc, không ngại va chạm và những việc ông làm thường có hiệu quả tức thì, được xã hội đồng tình, hoan nghênh. Và những việc làm như của ông Hải, ông Trần Hùng có tính lan tỏa, khiến nhiều địa phương khác phải vào cuộc, tham gia. Ông cùng thường xuyên có những phát biểu ấn tượng trước báo chí.
Cho nên, với việc ông là người đứng đầu Tổ công tác 334 tại TPHCM, người dân trông đợi sẽ có thêm một "Đoàn Ngọc Hải" trên lĩnh vực quản lý thị trường- một lĩnh vực cũng rất phức tạp, dễ đụng chạm đến những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cấu kết nhiều năm giữa những người buôn lậu, kinh doanh trái phép, làm hàng giả... với những người quản lý cấp cơ sở.
Người dân luôn ủng hộ những cán bộ quản lý sâu sát, mạnh mẽ trong chỉ đạo, thực thi công vụ như ông Đoàn Ngọc Hải, ông Trần Hùng nhưng cũng cần có sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao để khích lệ, tạo điều kiện cho những cán bộ này được làm hết khả năng của họ, lập lại trật tự trên những lĩnh vực họ quản lý- từ đó xây dựng được những mô hình thành công trong công tác điều hành, quản lý ở địa phương, để các địa phương khác, nơi còn trì trệ phải học tập theo.
Mạnh Quân