Cán bộ trong lòng dân
(Dân trí) - Không ai mong sự mất mát. Không ai muốn sự chia lìa. Nhưng có những sự hi sinh thực sự thức tỉnh lương tri, có những sự ra đi lay động trái tim người ở lại.
Tin từ Quảng Bình cho biết, ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã không may qua đời vào ngày 11/11 vừa qua sau nhiều ngày nằm viện. Nguyên nhân tử vong xuất phát từ vết thương bị nhiễm trùng ở chân.
Trước hết, xin được chia sẻ nỗi đau thương, mất mát vô bờ bến này với gia đình, người thân ông Phan Thanh Miên. Chính quyền, nhân dân xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch đã mất đi một cán bộ tận tâm, tận tuỵ, giàu tinh thần trách nhiệm.
Theo ghi nhận của báo chí, trước đó, ông Phan Thanh Miên cùng với các lãnh đạo địa phương, lực lượng công an, dân quân đã tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, xông pha vào vùng rốn lũ ứng cứu người dân bị cô lập vì lũ lụt...
Ngày 18/10, trong lúc cứu hộ, di chuyển một cụ bà giữa dòng nước lũ, ông Miên không may bị thương ở chân. Sơ cứu và băng bó ở trạm y tế xã rồi ngay sau đó, ông Miên lại tiếp tục cứu người, tiếp tế lương thực, nước uống cho bà con nhân dân.
Nhiều ngày liền dầm mình dưới dòng nước lũ khiến ông Miên bị suy kiệt, sốt, gia đình đưa tới trạm y tế xã điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, ông được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng sốt nặng, đầu gối sưng rất to.
Sức khỏe ông Miên sau đó ngày một chuyển xấu, thể trạng yếu và được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Các bác sĩ điều trị chẩn đoán ông bị nhiễm một loại vi khuẩn từ nước lũ, xâm nhập vào vết thương trên đầu gối dẫn đến nhiễm trùng rất nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục và không qua khỏi.
Ông Miên ra đi ở tuổi 51, khi vừa mới chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch được 3 tháng.
Sự ra đi đột ngột của ông Miên để lại bàng hoàng, xót xa cho biết bao người. Công tác tại địa phương suốt 25 năm, ông Miên được đánh giá là một người cán bộ gương mẫu, dù ở cương vị nào cũng luôn kiên định mục tiêu lý tưởng, vững vàng trong thử thách khó khăn, sống giản dị, liêm chính, hết mình vì nhân dân và tập thể.
Có lẽ người cán bộ ấy vẫn còn nhiều dự định, nhiều hoài bão ấp ủ, còn khao khát cống hiến cho địa phương, cho người dân trên địa bàn. Tiếc rằng, số phận đã buộc ông phải dừng lại quá sớm.
Dẫu rằng sự nghiệp còn dở dang, nhưng những tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như ông Phan Thanh Miên hay các cán bộ, chiến sĩ ở Rào Trăng 3… khiến chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Họ đã làm tròn bổn phận và sứ mệnh của mình với nhân dân. Thậm chí là đánh đổi cả các cuộc sống, cả tính mạng của bản thân vì người khác. Họ trả lời cho những câu hỏi tựa như “chính quyền ở đâu trong bão lũ?”, rằng họ vẫn luôn bên cạnh nhân dân, một cách âm thầm.
Đâu đó sẽ vẫn còn một vài cán bộ tắc trách, buông lỏng… nhưng tôi đặt niềm tin vào những người như ông Miên, vào thế hệ cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, lời nói đi cùng hành động.
Không ai mong sự mất mát. Không ai muốn sự chia lìa.
Nhưng có những sự hi sinh thực sự thức tỉnh lương tri, có những sự ra đi lay động trái tim người ở lại. Những người “Tiên thiên hạ, chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ, chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ).
Nếu bộ máy chính quyền, mà đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở - có tính chất đại diện và gần gũi nhất với nhân dân ở nơi đâu cũng có được những cán bộ giàu trách nhiệm với nhân dân như ông Phan Thanh Miên thì không phải lo về sự nghiệp phát triển, bởi lúc đó đã có niềm tin và sự đồng thuận tuyệt đối của lòng dân.