Cán bộ “thô lỗ” và liệu có lại “rút sợi dây… kinh nghiệm”?
(Dân trí) - “Thô lỗ”, “vô học”, “bậy bạ”, “vô văn hóa”… là những từ được nhắc không ít lần trong hàng ngàn thư điện tử (comment) bạn đọc gửi về tòa soạn Dân trí những ngày qua xung quanh thông tin một cán bộ thuộc diện quản lý của TP Hà Nội gọi dân là “mày” và “chúng mày”.
Ngay lập tức, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND Thành phố làm rõ thông tin báo chí đã nêu, báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 20-7.
Có lẽ để tiện theo dõi, cũng nên nhắc lại đoạn trả lời phỏng vấn báo Tiền phong của ông Trần Anh Tú - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội về dự án xe buýt nhanh đang đứng trước nguy cơ “đổ bể”, nguyên văn:
“+ Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?
Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?
+ Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?
Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.
+ Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ?
Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn?”.
Những phát biểu thô lỗ, thiếu văn hóa của ông Tú đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của độc giả Dân trí và nhiều cơ quan báo chí. Chương trình Báo chí toàn cảnh của VTV1 Chủ nhật ngày 3/7 đã lấy câu này làm một trong những phát ngôn “ấn tượng” trong tuần.
Có lẽ cũng không khó để trả lời câu hỏi vì sao những phát ngôn trên lại gây “sốc” dư luận như vậy mà câu hỏi muốn nêu ra ở đây là tại sao Hà Nội, cái “nôi” của câu “thành ngữ” nổi tiếng “không vội được đâu” lại sốt sắng như vậy?
Theo người viết bài này, có thể bởi mấy lý do.
Thứ nhất, đây là ngôn ngữ mà dân gian gọi là “đầu đường xó chợ”. Tuy, nói như thế là xúc phạm chốn “xó chợ, đầu đường” bởi bây giờ, trừ ngôn ngữ của những người thân thiết với nhau, không ai dùng những từ như thế nữa.
Thứ hai, có cảm giác như dàn lãnh đạo mới của Hà Nội đang cố gắng xây dựng một “diện mạo mới” cho Thủ đô, từ việc chấn chỉnh đường sá, vỉa hè… cho đến tác phong của cán bộ, công chức.
Nhớ lại những ngày đầu mới nhậm chức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã không ngần ngại nói đến hai từ “xấu hổ”: “Có người bảo sắp về hưu mới ra được đến Thủ đô, mà ra Thủ đô lại thấy nhếch nhác thì chúng ta phải thấy xấu hổ”.
Thứ ba, đó là tinh thần lắng nghe dân, lắng nghe phản ánh từ báo chí như cách đây ít lâu, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Hải nói: “Có những việc không hề đơn giản, như xây dựng văn hóa Hà Nội, vẫn chưa tạo được thành nếp. Hạ tầng có thể xây được, nhưng văn hóa đòi hỏi phải cả xã hội tham gia. Trong đó, cán bộ, công chức cần gương mẫu thực hiện và báo chí tăng cường tuyên truyền, nhân lên nhiều việc, nhiều tấm gương tốt; đồng thời giám sát, chỉ ra những địa chỉ cụ thể làm chưa hiệu quả”.
Thứ tư, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, gần dân, tôn trọng nhân dân với phương châm 4 xin, là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” thì những phát ngôn trên không chỉ không làm theo yêu cầu của Thủ tướng mà thậm chí, đi ngược lại 4 yêu cầu trên. Đó là chưa kể với ngành đường sắt, còn có tiêu chí 4 “luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”.
Thứ năm, dù có hiện tượng “xuống cấp” đi chăng nữa, Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị quốc gia, là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nên không thể có một cán bộ, đảng viên gọi dân là “mày” là “chúng mày”.
Một lần nữa, xin hoan nghênh tinh thần khẩn trương, biết lắng nghe dân của Thành ủy Hà Nội. Mong rằng UBND TP Hà Nội nhanh chóng xác minh, có biện pháp xử lý nghêm khắc để ít nhất, không làm xấu hình ảnh của cán bộ, công chức Thủ đô.
Xin trích hai trong hàng ngàn ý kiến của bạn đọc gửi về báo Dân trí.
Bạn Nguyễn Trí Toàn: “Đọc xong thấy tức thật, không chấp nhận được một quan chức lại thô lỗ, vô văn hóa, vô trách nhiệm và vô cảm như ông Trần Anh Tú. Còn những cán bộ kiểu này thì đất nước còn nghèo, không thể "sánh vai cùng bè bạn năm châu", mong sao bộ máy nhà nước dần thanh lọc được những người như ông Tú”.
Bạn Bùi Công Thức: “Tôi nguyên là giám đốc một công ty hạng một của nhà nước (trực thuộc bộ Tài chính) nay đã nghỉ hưu, 40 năm tuổi Đảng, thương binh thời chống Mỹ. Đề nghị thành ủy Hà Nội xem xét khai trừ khỏi Đảng để làm thanh sạch đội ngũ đảng viên…”.
Theo các bạn, TP Hà Nội sẽ xử lý thế nào? Liệu có “kiểm điểm sâu sắc” để rồi lại “rút sợi dây… kinh nghiệm”?
Bùi Hoàng Tám