Cấm nhận xe doanh nghiệp tặng, sao không cấm cả... "những chuyến đi"?
(Dân trí) - Năm 2017 và đầu năm 2018, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đã phải trả lại những chiếc xe hơi hàng tỷ đồng do doanh nghiệp tặng. Nhưng một câu chuyện mới phát hiện: Có không ít cán bộ, công chức được tặng những thứ tưởng vô hình, nhưng thực ra cũng rất cụ thể, tính ra tiền tỷ như những chuyến đi du lịch nước ngoài thì họ có phải trả lại hay không?
Theo loạt bài trên Dân trí đăng tuần qua, trong 5 năm: 2012-2016, theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ tại 4 bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố, ngân sách nhà nước đã chi ra hơn 1.200 tỷ đồng cho hàng vạn cán bộ, công chức thực hiện các chuyến công du.
Mặc dù ở đây chưa đầy đủ dữ liệu để đánh giá có bao nhiêu phần trăm trong tổng số kinh phí nói trên chưa hiệu quả, lãng phí do có những đoàn đi không đúng mục đích, không đúng thành phần nhưng có một vấn đề rất đáng chú ý là có không ít chuyến đi nước ngoài của khá nhiều đoàn của các Bộ, ngành, địa phương lại do doanh nghiệp tài trợ. Và số tiền tài trợ cho nhiều chuyến đi là rất lớn.
Điều rất đáng chú ý trong tất cả những chuyến đi nước ngoài bằng tiền tài trợ của doanh nghiệp tài trợ là... tất cả các chuyến đi này, tiêu hết bao nhiêu tiền trong 5 năm 2012-2016, theo Thanh tra Chính phủ, đều không được các bộ, ngành địa phương thống kê. Nguyên văn: "Không có bộ, ngành nào tổng hợp, theo dõi số liệu tài chính ngoài ngân sách chi trả trong các đoàn ra nước ngoài".
Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không thể biết được, nhiều doanh nghiệp, các "đại gia" đã chi cho cán bộ lãnh đạo, công chức nhiều nơi đi nước ngoài lớn đến mức nào.
Một con số cụ thể nhất đã được công bố: Đoàn do Bộ Công Thương tổ chức đi theo Quyết định ngày 8/1/2016 do đơn vị thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chi trả cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương đi Hội chợ tại Argentina, Cuba và Panama trong 12 ngày đã hết gần 1,4 tỷ đồng (riêng cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được chi tới 320 triệu đồng).
Đây chỉ là 1 trong 23 đoàn đi nước ngoài với khoảng 100 người do Bộ Công Thương cử người đi, cử người tham gia đoàn do các doanh nghiệp tài trợ, chi phí.
Còn tại địa phương, nhiều nơi cũng diễn ra tình trạng tương tự: Lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài bằng kinh phí tài trợ của doanh nghiệp và lại đúng doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực quản lý của mình. Ví dụ như Vĩnh Phúc, Tiền Giang...
Trên thực tế không có điều khoản cứng nhắc quy định cấm tất cả các cán bộ, công chức nhà nước không được đi nước ngoài bằng tiền tài trợ của doanh nghiệp. Vì trên thực tế, cũng có những doanh nghiệp có thể tài trợ được và nội dung hoàn toàn khách quan, như doanh nghiệp nước ngoài mời tham dự hội thảo thì việc tham gia có thể là hữu ích, giúp cán bộ, công chức nhà nước mở mang kiến thức, trao đổi kinh nghiệm hợp tác với đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng có không ít hoạt động tài trợ cho cán bộ, công chức nhà nước đi nước ngoài lại vì những động cơ, mục đích không trong sáng, thậm chí là hình thức hối lộ biến tướng thì đó là câu chuyện khác. Chính vì điều này, năm 2012, Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TW yêu cầu lãnh đạo các cấp không được đi công tác nước ngoài bằng tiền do doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình đài thọ.
Vì vậy, với việc phát hiện ở Bộ Công Thương và một loạt địa phương để xảy ra tình trạng, nhiều đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp, nhất là các đoàn của lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh đi hoàn toàn bằng kinh phí doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực quản lý thì cơ quan chức năng sẽ xử lý việc này thế nào? Có buộc các lãnh đạo, cán bộ, công chức trả lại kinh phí mà doanh nghiệp tài trợ như việc vừa qua một số địa phương đã phải trả lại những quà tặng đắt tiền: Xe hơi, nhà ở... của doanh nghiệp hay không?
Mạnh Quân