“Cấm chợ, ngăn sông”, đơn thuần hiểu sai hay biểu hiện có tư duy cát cứ?
(Dân trí) - Phạt người ra đường không thuộc diện cho phép. Người từ vùng dịch trong nước về phải cách ly. Bắt xe cá nhân quay đầu về nơi xuất phát. Chặn đường liên xã , cách ly người đi ngoài đường sau 22g....
Đó là những gì đang diễn ra tại một số địa phương khiến Văn phòng Chính phủ vừa phải có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành, địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19.
Có lẽ cũng cần thêm một lần nữa khẳng định, rồi đây dịch bệnh sẽ biến chuyển không biết tốt lên hay xấu đi, song tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đó là nhờ chủ trương đúng đắn, tinh thần quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiêm khắc của các địa phương và đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân.
Tuy nhiên, đối với sự việc lớn như thế này, việc sai sót là khó tránh khỏi và cần khắc phục ngay mà các hiện tượng nói trên là một trong những việc như thế.
Chúng ta đều biết trước mỗi quyết định, người đứng đầu Chính phủ đã hết sức đắn đo bởi nó ảnh hưởng tới đời sống xã hội của cả một đất nước, thậm chí, còn hơn thế.
Vì vậy, hơn ai hết, Thủ tướng Chính phủ phải nắm chắc tình hình, diễn biến tổng thể của sự việc với sự tham vấn của các nhà khoa học, các nhà quản lý và tham khảo kinh nghiệm trong cũng như ngoài nước để tìm ra biện pháp xử lý tối ưu nhất.
Cụ thể với dịch Covid 19, khi xét thấy chưa cần phải phong tỏa, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 cách ly toàn xã hội trên tinh thần “là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông”.
Với tinh thần này thì việc “ngăn sông, cấm chợ”, rào đường, quay xe, phạt người ra đường không được cho phép… là không đúng với nội dung của Chỉ thị 16 như nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ngày 2.4.
Tại phiên họp thường kỳ vừa qua, đích thân Thủ tướng một lần nữa yêu cầu chấn chỉnh việc này.
Đây là việc làm cần thiết bởi chúng ta “chống dịch như chống giặc” nhưng trên cơ sở pháp luật.
Ví như qui định phạt người ra đường, xin hỏi thế nào là "việc không cần thiết" hay những việc nào "không nằm trong diện được đi ra ngoài đường"?
Rồi việc xử phạt dựa theo qui định nào? Điều nào? Mục nào? Mức phạt bao nhiêu? Ai được quyền ban hành những qui định này?... Rồi lý giải thế nào khi hành vi này không có trong 13 hành vi vi phạm rất cụ thể do Sở Tư pháp Hà Nội liệt kê?
Luật là định lượng, không cho phép định tính bởi định tính sẽ dẫn tới lạm quyền. Tinh thần là tốt nhưng sự hiểu biết luật pháp còn tốt hơn.
Dịch sẽ qua, còn sự "vô pháp" một khi nảy nòi thì sẽ ở lại.
Và khi đó, "cái gậy" duy nhất để chống lại cường quyền và sự độc tài là luật pháp của dân chúng bị bẻ gẫy. Hậu quả sẽ khôn lường.
Do vậy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn phải thượng tôn pháp luật và đó chính là xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân!
Tóm lại, theo tôi hiểu thì việc "cấm chợ, ngăn sông", "bế quan, tỏa cảng" giữa các địa phương thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Quốc hội nên hoàn toàn ủng hộ sự chấn chỉnh khẩn cấp này.
Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, kể cả bộ phận tham mưu cho Chính phủ bởi một văn bản mang tính pháp qui phải trong sáng, rành mạch, dễ hiểu và đơn nghĩa.
Một văn bản ban hành khiến dư luận hiểu không đúng, cả lãnh đạo một số địa phương cũng hiểu không đầy đủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và cả Thủ tướng phải giải thích là một văn bản chưa đạt yêu cầu!
Song, có một câu hỏi quan trọng hơn, việc “cấm chợ, ngăn sông” đơn thuần là do hiểu sai hay bởi tư duy cát cứ?
Bùi Hoàng Tám