"Cấm cái “lon”, dùng cái… “lu” - Giời ơi sao thấy... lu bu thế này”
(Dân trí) - Đọc những thông tin mà chẳng biết nó thế nào, cứ… lu bu. Thôi thì đành làm hai câu sáu - tám thay cho lời kết: "Cấm cái “lon”, dùng cái “lu” – Giời ơi sao thấy... lu bu thế này”.
Mới mấy hôm trước, dư luận ồn ã với lời giải thích của bà Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xung quanh việc cấm “cái lon”.
Chả là trong chương tình quảng cáo của nước giải khát Coca-Cola có cụm từ “mở lon Việt Nam”. Việc cấm này là đúng bởi câu văn tối nghĩa, nhảm nhí, bậy bạ và vi phạm luật. Làm gì có cái “lon” nào là “lon Việt Nam”? Rồi ai cho phép mang quốc hiệu quốc gia ghép vào tên một mặt hàng?
Tuy nhiên, cái cách giải thich của bà Cục trưởng là nếu thêm các loại dấu (dấu huyền, dấu mũ) vào chữ “lon” tạo sự liên tưởng đến từ bậy bạ thì không nín được cười. Thậm chí, có người còn bảo bà này suy diễn… bệnh hoạn!
Chuyện cái “lon” chưa kịp lắng xuống thì gần đây, lại xuất hiện chuyện “cái lu”.
Tại cuộc họp HĐND TP HCM chiều 12/7, bà PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất “mỗi nhà nên có một cái lu để góp phần chống ngập”.
Ngay sau đó, dư luận chia thành hai bên. Đồng tình và phản đối.
Bên ủng hộ bà Xuân lấy dẫn chứng Đông Tây, kim cổ, thậm chí có người còn lôi cả cụ Nicolaus Copernicus từ thời cổ đại với thuyết nhật tâm để bênh vực như một phát minh khoa học.
Còn PGS Xuân thì thanh minh rằng đây là sáng kiến của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chứ không phải của bà nhưng sau đó, báo Lao động lại khẳng định JICA không nói thế.
Trả lời báo chi sau đó, PGS Xuân còn nói rằng do không đủ thời gian nên bà không diễn giải hết ý…
Bên phản đối thì cho rằng đây là đề xuất phi thực tế và … ngớ ngẩn.
Thứ nhất, cái sẽ lu đặt ở đâu khi mà mỗi gia đình chỉ có vài chục mét vuông, đến khi ngủ còn chồng giường tầng lên nhau? Rồi nhà cao tầng thì sao nhỉ? Phân chia nguồn nước mưa như thế nào?
Rồi thành phố thường mưa vào mỗi buổi chiều, lấy nước vào lu thời điểm nào của cơn mưa?
Rồi khi mưa tạnh, phải tháo nước đó đi vào thời điểm nào cho thống nhất, chiều hôm sau còn có chỗ chứa… Trong khi ở các công trình thủy điện, việc cho nước vào, tháo nước ra khỏi hồ chứa là cả một vấn đề lớn mà nhiều lúc, nhiều nơi còn gây thêm lũ lụt.
Trong khi mỗi mùa mưa đến là lo sốt vó bùng phát dịch sốt xuất huyết. Với hàng triệu cái lu, mỗi cái đều là nơi sinh sản của bọ gậy, muỗi vằn.
Đó là chưa kể nếu ở các nước, môi trường sạch sẽ, nước mưa trong chứ còn ở ta, nước cống, nước rãnh duềnh lên mà chứa vào chum, vào lu thì có mà thối hoăng, thối hoắc.
Có người còn phản bác lại bà Xuân rằng các cụ dạy là học ăn, học nói, học gói, học mở… Là nhà khoa học, đặc biệt lại là đại biểu của dân mà nói để không chỉ cử tri mà ngay cả các đại biểu hôm đó cũng cười ồ lên thì có lẽ bà PGS TS này cần học thêm một khóa học… nói!
Lại có người bảo đề xuất này không phải không có cái hay của nó. Ví như nó sẽ trở thành thành phố có nhiều chum vại nhất thế giới chẳng hạn. Khi đó biết đâu lại nườm nượp du khách đổ về. Đất nước tưng bừng tiến về thời… đồ sành, đồ sứ?
Đọc những thông tin mà chẳng biết nó thế nào, cứ… lu bu. Thôi thì đành làm hai câu sáu - tám thay cho lời kết:
“Từ cái “lon” đến cái “lu” – Giời ơi sao thấy... lu bu thế này”.
Bùi Hoàng Tám