Cái ví của ông Giám đốc người Nhật - Không phải chuyện để “tự hào suông”!
(Dân trí) - Không phải giảm thuế, ưu đãi “sốc” về đất đai, mà môi trường “sạch”, chính sách minh bạch và ổn định - mới là những yếu tố thu hút hàng đầu!
“Một lần tôi sơ ý bỏ quên ví của mình ở một quán phở, khi đi ra mua pin sạc dự phòng mới biết là mất điện thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông chủ quán phở này đã chạy theo tôi và đưa lại chiếc ví của tôi. Có thể nói, ở Việt Nam, tôi có đánh rơi gì cũng không sợ mất”.
Một câu chuyện đẹp được ông Sagara Hirohide, Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam thuật lại tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản cách đây ít ngày đã làm “mát lòng” công chúng Việt.
Khó có một chương trình quảng bá nào tốt hơn một lời khen, một câu chuyện thực tế do đích thân một người ngoại quốc, một doanh nhân đang đầu tư ở Việt Nam kể lại!
Là một người Việt, tôi thực tâm muốn dành lời cảm ơn sâu sắc của mình tới ông Hirohide. Cảm ơn vì tình cảm chân thành của ông với Việt Nam chúng tôi, cảm ơn vì niềm tin và tình yêu của ông dành cho mảnh đất này.
Chắc chắn rằng, hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế sẽ càng đẹp hơn sau câu chuyện giản dị và những lời nhận xét đầy trân trọng này của ông Hirohide!
Xưa nay, chúng ta vẫn nhìn sang Nhật Bản với sự ngưỡng mộ về đức tính trung thực và kỷ luật của người Nhật. Và bây giờ, thật tuyệt vời khi một doanh nhân người Nhật cũng đang dùng những lời “có cánh” để nói về chúng ta.
Hẳn rằng không chỉ tôi mà rất nhiều người khác cũng đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục vì sao từ rất lâu ở Nhật Bản đã có những cửa hàng kiểu “Mujin Hanbaisho” (không hề có người bán, người mua tự phục vụ). Người ta không sợ trộm cắp ư? Không sợ gian lận ư? Bởi những người bán họ đặt toàn bộ niềm tin vào ý thức và sự trung thực của người mua hàng.
Với mô hình của những cửa hàng này, người mua cảm thấy bản thân họ đang được tin tưởng và tôn trọng. Do đó, việc gian lận, “quỵt tiền”, trộm cắp… chẳng khác gì là hành vi tự dẫm đạp lên lòng tự tôn, tự trọng của chính mình, rẻ rúng danh dự và vứt bỏ đi giá trị của bản thân.
Khi ông Sagara Hirohide bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao môi trường sống an toàn ở Việt Nam, tôi tin rằng, vị doanh nhân này cũng đang gửi đến những hàm ý quan trọng, đang phải suy ngẫm.
Câu chuyện “cái ví tiền trong quán phở” được ông Hirohide chia sẻ đặt trong bối cảnh một hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản. Ông đánh giá, khi Trung Quốc gặp bất ổn, Việt Nam đang cho thấy là một điểm đến đầu tư tin cậy và hiện nay, cả thế giới chú ý tới Việt Nam.
Đó chính là cơ hội!
Đó là những lời khen.
Nhưng cũng kèm theo vô vàn thách thức.
Các nhà chức trách sẽ cần phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi: phải nỗ lực như thế nào để xứng đáng với sự tín nhiệm, với niềm tin của nhà đầu tư, phải có những bước đi ra sao để thu hút được dòng vốn ngoại, giữ được nhà đầu tư ở lại Việt Nam - chứ không đơn thuần là “tự hào suông”.
Cần thấy cuộc đua thu hút đầu tư FDI (trong đó chú trọng vào những doanh nghiệp có chất lượng, công nghệ cao…) đang ngày càng “nóng” ở quy mô khu vực. Bên cạnh chúng ta, các nước khác như Myanmar, Indonesia, Thái Lan… cũng đang đẩy mạnh công tác này.
Do đó, nếu vẫn quen tư duy cũ, cách làm cũ; nếu vẫn còn nạn công chức vòi vĩnh, đòi bôi trơn, hối lộ… thì rất khó để nền kinh tế chúng ta tận dụng được thời cơ và bứt phá.
Khi những “tệ nạn” đó chưa chấm dứt thì cũng thật khó để có thêm được những cánh “đại bàng” - các doanh nghiệp chân chính, đóng góp lớn cho ngân sách, cho sự phát triển của các địa phương.
Không phải giảm thuế, ưu đãi “sốc” về đất đai, mà môi trường “sạch”, chính sách minh bạch và ổn định - mới là những yếu tố thu hút hàng đầu!
Bích Diệp