Cái giá của hoà bình

(Dân trí) - Nhận được giấy báo du học ở Đức nhưng vẫn quyết lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đấy là lựa chọn của bố tôi hơn 40 năm trước, dù lúc đó, ông là con trai duy nhất trong gia đình, có cha là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa 1945.

 

mh_lietsy.jpg

 

Vào thời điểm lịch sử ấy, có rất nhiều thanh niên yêu nước khác cũng như bố tôi. Họ cống hiến thanh xuân cho bình yên đất nước với một tinh thần vô tư, tràn đầy nhiệt huyết, dẫu họ nhận thức được rằng, sự chọn lựa ấy phải đánh đổi chẳng những bằng hạnh phúc cá nhân, mà còn là tính mạng, là những vết thương trên thân thể và những nỗi bất an, đau đớn của người thân.

Rời chiến trận, bố tôi trở về với giảng đường đại học, vẫn tiếp tục binh nghiệp và cống hiến cho đất nước theo một cách khác, rất đời thường. Những người lính như ông ít khi kể về công lao và cũng không đòi hỏi một sự trả ơn nào. Tháng ngày chiến đấu tuổi thanh xuân mang đến cho họ những ký ức không thể phai mờ, những người đồng đội và những giá trị tinh thần khó đong đếm được.

Thế nhưng tôi biết, trong những ngày tháng Hai này, khi mọi người dân trên cả nước đều hưởng ứng tri ân, hướng về ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đó là cả một niềm an ủi, một sự động viên lớn lao với họ, những cựu chiến binh, những gia đình liệt sĩ có con em đã ngã xuống nơi xa xôi miền biên viễn.

Tôi đã rơi nước mắt khi đọc những lời chia sẻ của ông Hoàng Như Lý, người dành nhiều năm để kiếm tìm, chăm sóc các mộ phần đồng đội, trong một bài viết ngày 14/2 trên Dân trí:

“Quên sao được khi bỗng chốc mất đi 45 anh em, những người đã thân quen tựa máu thịt... Tôi sống sót trong trận chiến khốc liệt ấy chính là bởi anh em đồng đội đã nhường cho tôi phần may mắn. Và suốt nhiều năm qua, những người lính hy sinh thân mình bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ấy đã ủy thác, đã cho tôi sức khỏe, tình yêu thương… để tôi có cơ hội chu toàn từng phần việc tri ân”.

Trong những người ngã xuống, có biết bao người vẫn còn dang dở ước mơ, những ước nguyện tình yêu chưa trọn vẹn. Như câu chuyện ông Lý kể lại về lễ ăn hỏi chưa từng có mà đồng đội, người thân tổ chức cho hai liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm – Bùi Văn Lượng dù chiến tranh đã khép lại nhiều năm, để thấy rằng, lịch sử không cho phép chúng ta quên bình yên hôm nay nhờ đâu mà có.

Việc nhắc lại quá khứ, nhớ về những vết đau thương mà chiến tranh để lại hoàn toàn không phải nhằm kích động hận thù, mà để biết trân trọng hơn giá trị của hoà bình, để bất cứ ai hôm nay cũng phải tỉnh thức, giữ gìn thành quả mà cha ông vốn phải trải qua biết bao cuộc chiến, đổ máu xương mới giành được.

Đâu có bà mẹ nào trên đất nước này muốn lại có ngày được phong chữ “anh hùng”, đâu có gia đình nào muốn là người thân liệt sĩ… Nhưng lịch sử đã không cho phép chúng ta được lựa chọn, nhiều thế hệ thanh niên – như chính người bố của tôi, đã phải cầm súng để giữ lấy bình yên cho mảnh đất này.  

Do đó, gác lại quá khứ nhưng chúng ta cũng luôn sòng phẳng với lịch sử, tôn trọng lịch sử, để sống bao dung hơn, hướng đến tương lai hoà hợp, bình đẳng, vì lợi ích quốc gia trên hết.

 

Bích Diệp